Tám kết quả nổi bật trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu 8 kết quả nổi bật và 8 nhóm hạn chế, khó khăn.

8 kết quả nổi bật

Trong 8 kết quả nổi bật của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thứ trưởng nêu kết quả thứ nhất, đã chuẩn bị tốt nhất và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh chủ chốt, quan trọng của Nhà nước, quyết định và thông qua các Kế hoạch 5 năm 2021-2025 về KTXH, NSNN và đầu tư công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả.

Hai, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" linh hoạt trong bối cảnh mới. Với quan điểm chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an..., đến nay, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực.

Ba, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững, thu NSNN ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 35%GDP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 10,7% so với năm 2020. Mặt bằng lãi suất bình quân giảm; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.

Bốn, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.Thứ trưởng cho biết đang khẩn trương xây dựng trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật .

Năm, các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ, trực tuyến.

Sáu, các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bảy, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường.

Tám, công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh, nhất là ngoại giao vắc-xin; tăng cường hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm

Sau 8 kết quả nổi bật, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu 8 nhóm hạn chế khó khăn. Theo đó, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Gồm tốc độ tăng trưởng GDP ước 3,5-4% (mục tiêu là 6%) tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước 3,7% (mục tiêu là 4,8%) tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước 28% (mục tiêu từ 45-47%)và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 0,5-1% (mục tiêu 1-1,5%).

Tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 3,5-4%; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ước nhập siêu cả năm khoảng 02 tỷ USD; xuất, nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường và khu vực FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp.

Còn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài . Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách.

Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo là công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn chủ quan, lơ là, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; tổ chức triển khai các giải pháp chưa thống nhất, chưa quyết liệt, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách.

Có địa phương còn nóng vội khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch; chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán trong ban hành biện pháp phòng, chống dịch, gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ.

Số ca nhiễm bệnh tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; lượng vắc-xin tiếp nhận chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là các khu cách ly còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ là rất lớn. Hoạt động dạy và học trực tuyến còn bất cập - Thứ trưởng báo cáo.

Theo báo cáo, năm 2021 tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do...; sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh.

Dưới tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, số lượng người lao động thiếu, mất việc làm gia tăng; đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị tác động mạnh, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo giảm so với năm 2020, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng .

Trong các nguyên nhân của hạn chế yếu kém, theo Thứ trưởng, một số cơ quan trung ương, địa phương, cá nhân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chưa đánh giá kịp thời mức độ nghiêm trọng của biến thể Delta để có các giải pháp phù hợp; công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn chậm, lúng túng, chưa quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình.

Năng lực một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm; việc thực hiện các biện pháp, hướng dẫn của trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn chưa nghiêm, thiếu linh hoạt; công tác phối hợp chưa hiệu quả, còn vướng mắc về thể chế chưa được tháo gỡ; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn bất cập.

Sau báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong buổi sáng.

Tin bài liên quan