Lấy trọng tâm là tiểu vùng, Diễn đàn tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia CLV

Lấy trọng tâm là tiểu vùng, Diễn đàn tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia CLV

Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam với cơ hội đầu tư mới

Diễn ra trong 2 ngày 21-22/4 tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Diễn đàn Đối tác phát triển khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) đã mở ra triển vọng và cơ hội mới cho sự phát bền vững của các địa phương thuộc CLV.

Nội dung được tập trung thảo luận tại Diễn đàn là Chiến lược phát triển CLV và tình hình kinh tế - xã hội của 5 địa phương thuộc Việt Nam gồm Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum trong khu vực Tam giác Phát triển CLV. Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác trong khu vực CLV, nhằm tạo ra những động lực mới để hỗ trợ thực hiện các chương trình và dự án hợp tác đã được ưu tiên.

Tham dự và khai mạc Diễn đàn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các cơ quan liên quan cần triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng ba nước thông qua, gắn kết giữa quy hoạch của từng địa phương với quy hoạch của vùng và của cả khu vực Tam giác Phát triển CLV.

Ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong khu vực Tam giác Phát triển CLV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, mặc dù đã đạt được tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, song kết quả còn khiêm tốn so với mục tiêu mà quy hoạch đề ra.

Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên  nhấn mạnh, việc đi sâu phân tích hiện trạng, xác định phương hướng cụ thể và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các địa phương trong Tam giác Phát triển CLV, cũng như các đối tác phát triển, nhằm huy động nguồn lực phát triển có hiệu quả.

“Phải xem việc tăng cường hợp tác giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia”, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn đối tác phát triển, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sự liên kết tiểu vùng và năng lực cạnh tranh rất cần để hỗ trợ những nỗ lực ở cấp độ quốc gia.

“Với trọng tâm vào tiểu vùng, Diễn đàn sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia CLV, các địa phương tiểu vùng, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các đối tác khác, nhằm biến quy hoạch thành hành động với kết quả rõ ràng”, bà Victoria Kwakwa nói.

Liên quan đến vấn đề chính sách và thể chế, đại diện Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, tuy chỉ chiếm 0,32% tổng vốn ODA của cả nước, song nguồn vốn này chiếm khoảng 10-12,3% tổng vốn đầu tư xã hội của 5 tỉnh Việt Nam thuộc Tam giác Phát triển CLV.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn ODA có vai trò rất quan trọng đối với đầu tư phát triển của các tỉnh trong khu vực. Để thu hút đầu tư, trong đó có ODA, 5 địa phương đã đề xuất 29 dự án ưu tiên trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, cấp thoát nước, phát triển hạ tầng đô thị và giao thông - vận tải.

Cũng liên quan đến vấn đề thể chế và chính sách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt câu hỏi đâu là giải pháp tốt nhất và nguồn lực nào để hiện thực hóa chiến lược phát triển Tam giác Phát triển CLV.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nguồn lực có từ nhiều phía, không phải chỉ từ ODA, nguồn lực to lớn nhất chính là huy động khu vực tư nhân tham gia, kể cả trong phát triển kinh tế, trong đầu tư hạ tầng, kể cả nguồn nhân lực, khu vực tư nhân to lớn, ODA chỉ mang tính nền tảng xúc tiến, xúc tác và mang tính căn bản, vì nó gắn liền với vấn đề chỉ đạo của Nhà nước.

“Tất cả các tập đoàn doanh nghiệp lớn của thế giới, như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italy… đều có quan điểm cần cải thiện môi trường đầu tư, chứ không chỉ tập trung vào vấn đề lãi suất hay thuế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho rằng, giảm thuế không phải là phương pháp tốt nhất để thu hút đầu tư, mà quan trọng là phải làm thế nào để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, lợi ích được bảo đảm, triển khai mọi việc thuận lợi, không vướng mắc, không sách nhiễu, không phiền hà…

Liên quan đến danh mục dự án ưu tiên, Bộ trưởng Vinh nhìn nhận, các địa phương phải chọn ra những lĩnh vực ưu tiên, sau đó chọn danh mục ưu tiên, mà ưu tiên này phải là ưu tiên thật, là những bức xúc thật sự, đa số dự án đưa ra hiện nay chỉ là xây dựng cho có.

“Nếu các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam đồng ý tài trợ theo danh mục này, liệu có thật sự tạo ra sự thay đổi cho vùng Tam giác Phát triển CLV hay không? Tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì nếu phân bổ cho lĩnh vực chưa thật sự ưu tiên, thì sử dụng đồng tiền chệch hướng. Vì vậy, phải tập trung chọn ra được nút thắt thật sự để sử dụng đồng tiền, nhằm tháo nút thắt này”, Bộ trưởng Vinh nói và kêu gọi cần phải nghiên cứu để có thêm nguồn lực hỗ trợ Tam giác Phát triển CLV.

Tin bài liên quan