Tầm diệt nạn thao túng chứng khoán

Tầm diệt nạn thao túng chứng khoán

Nạn “cá mập” thao túng thị trường chứng khoán diễn ra từ lâu và báo chí đã liên tục phản ánh, cơ quan chức năng nhiều lần xử phạt, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

>> Bắt thư ký cựu Chủ tịch HĐQT Dược Viễn Đông

>> Bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Viễn Đông

Nhiều chiêu “làm giá”

 

Không khó để nhận biết những cổ phiếu đang bị “làm giá”. Đó là hiện tượng giá CP tăng trần liên tục như tăng 100% trong suốt cả tháng dù doanh nghiệp không có thông tin gì đột biến. Và ngay sau chuỗi ngày tăng mạnh sẽ là chuỗi giảm giá không phanh. Đó là hiện tượng mà những nhà đầu tư (NĐT) ít kinh nghiệm nhất cũng có thể nhận ra CP đó đang bị “làm xiếc”.

 

Từ những vụ vi phạm bị phát hiện, xử phạt thời gian qua, có thể thấy nhiều kiểu “làm giá” đang được thực hiện trên thị trường. Chẳng hạn từ ngày 17/12/2009 đến ngày 7/1/2010, ông Hoàng Minh Hướng (tài khoản giao dịch số 019C995003) và bà Quách Thị Nga (tài khoản giao dịch số 019C995001) đã đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn CP của Công ty cổ phần (CTCP) Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tiếp. Hành vi này tạo nên "cầu ảo" khiến giá SQC tăng trần liên tục với mục đích là thu hút những NĐT khác đặt mua theo.

 

Kiểu mua tay trái và bán tay phải cũng là hành vi được sử dụng khá nhiều bằng cách thông qua nhiều tài khoản khác nhau của những người có liên quan. Một điển hình là bà Nguyễn Thị Kim Phượng - cổ đông lớn của CTCP Vật tư và vận tải xi măng (VTV) - đã công bố chào mua công khai 1,3 triệu CP này nhưng lại âm thầm bán ra hơn 557.000 CP đang nắm giữ. Vụ thao túng giá này khiến các NĐT đặc biệt bất bình.

 

Vụ làm giá của bà Phượng đã khiến giá CP VTV tăng từ 39.000 đồng/CP (ngày 8/2) lên 66.000 đồng/CP vào ngày 19/3.  Bà Phượng đã âm thầm bán ra số CP trên ở mức giá cao khoảng 62.000 đồng/CP, thu lợi hơn 16 tỷ đồng nhưng chỉ bị UBCKNN xử phạt 170 triệu đồng.

 

Ngày 12/11, UBCKNN đã phạt ông Võ Văn Trường và ông Phạm Đình Phú (cùng ngụ tại Đồng Nai) 250 triệu đồng/người do có hành vi sử dụng 10 tài khoản để mua bán tạo cung cầu giả nhằm thao túng giá CP CTCP Sản xuất kinh doanh dược và thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV). Trước đó vào ngày 28/10, UBCKNN xử phạt 3 cá nhân gồm bà Trần Thị Thu, ông Nguyễn Hải Sơn, bà Nguyễn Thị Hạnh (cùng ngụ tại Hà Nội) mỗi người 50 triệu đồng do thông đồng thao túng giá CP của CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI)...

 

Đáng chú ý nhất là đầu tháng 7/2010, UBCKNN đã xử phạt ông Nguyễn Quang Hưng (Hà Nội) 100 triệu đồng, phạt bà Nguyễn Kim Phượng (Hà Nội) 170 triệu đồng; phạt ông Ngô Quang Tài và ông Ngô Quốc Đạt số tiền 50 triệu đồng/người do đã thông đồng với nhau để thao túng giá CP VTV.

 

Cần mạnh tay

 

Khoản phạt 250 triệu đồng/người đối với các ông Võ Văn Trường và Phạm Đình Phú  là mức cao nhất từ trước đến nay đối với hành vi thao túng giá chứng khoán và được áp dụng theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/9/2010. Theo anh Nam - nhà đầu tư tại sàn chứng khoán VCBS -  một phi vụ làm giá CK thành công có thể mang về số tiền vài tỷ đến vài chục tỷ đồng cho người làm giá. Nhưng từ trước đến nay, UBCKNN chỉ phạt hành chính với mức thông thường 50 hay 100 triệu đồng khiến nhiều NĐT thấy dường như cơ quan quản lý chưa quyết liệt chống tệ nạn.

 

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán - Ngân hàng trường ĐH Mở TP. HCM, nhận định, sự kiện bắt giữ ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Viễn Đông (DVD), chắc chắn sẽ có tác động răn đe khá lớn đối với những cá nhân “làm giá”. Theo TS Thuận, việc từ trước đến nay UBCKNN chỉ xử phạt hành chính là chưa đủ mạnh. Một số vụ thao túng giá vừa qua lẽ ra có thể điều tra và công bố cho NĐT yên tâm. Có thể thông tin này sẽ tác động đến tâm lý ngắn hạn của NĐT trên thị trường nhưng về lâu dài là tích cực, đảm bảo sự minh bạch cho thị trường.

 

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng, UBCKNN cần mạnh tay hơn trong việc xử phạt hành chính như áp dụng  mức phạt tối đa 500 triệu đồng đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Thực hiện như vậy cũng sẽ góp phần ngăn ngừa các hành vi làm giá CK trên thị trường. Đồng thời cần có những quy định chi tiết hơn như xác định mức độ và số tiền trục lợi được từ hành vi thao túng giá.

 

Điều 25, Nghị định số 85/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK nêu rõ: Phạt tiền 500 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức dù trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào công việc công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường, thực hiện một trong các hành vi gian lận trong giao dịch CK; Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

 

Bộ luật Hình sự quy định tội thao túng giá chứng khoán có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

 

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM): Đã có đủ luật để xử lý

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành đã 10 năm và đến nay bộc lộ nhiều bất ổn. Từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã phát hiện và xử phạt hành chính gần chục vụ thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ mới dừng lại ở mức hành chính, mức phạt chẳng thấm vào đâu so với số lợi nhuận mà họ thu được. Vì vậy, tình hình ngày càng diễn biến phức tạp và thị trường ngày càng bị mất niềm tin, chỉ số VN-Index liên tục sụt giảm. Do vậy để khôi phục TTCK, tạo sự minh bạch, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần thiết phải xác định trục lợi bất chính trên TTCK là một loại tội phạm mới cần phải xử lý thật nghiêm khắc, nếu không sẽ làm nhiều NĐT trắng tay, nhiều công ty phá sản, làm điên đảo TTCK, ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế.

 

Theo tôi, với quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý hình sự hành vi thao túng giá chứng khoán, cũng như các hành vi vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.

 

Điều 181 C Bộ luật Hình sự quy định: “Tội thao túng giá chứng khoán” ghi rõ: Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán (thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán) gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm…

 

Trước đó, theo quy định tại điều 28, mục 6 về vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán của Nghị định 36/2007/NĐ-CP, hành vi thao túng giá chứng khoán là hành vi của các NĐT cá nhân hoặc NĐT tổ chức thực hiện các giao dịch để làm cho mọi NĐT khác hiểu sai lệch về thị trường, tạo ra cung cầu giả tạo, hay việc cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán để thao túng giá chứng khoán. Tạo ra giao dịch vòng tròn, tức là người này bán cho người kia, sau một vòng giao dịch trở về người bán ban đầu, nhưng giữa người bán và người mua đều không thu được lợi nhuận, mà chỉ nhằm tạo ra cho loại chứng khoán đó thường xuyên có giao dịch mua bán trên thị trường. Giao dịch để tạo cho mức giá của loại chứng khoán đó được duy trì ổn định (không tăng, không giảm trên thị trường) được coi là giao dịch nhằm duy trì ổn định giá trên thị trường.

 

Như vậy, đã có các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động chứng khoán và không khó để phát hiện các hành vi bất chính. Với quy định pháp lý hiện hành, hoàn toàn có thể xử lý hình sự hành vi thao túng giá chứng khoán.