Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng các lợi thế tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng các lợi thế tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tâm điểm RCEP trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Tâm điểm kinh tế trong Năm ASEAN 2020 là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại được xem là lớn nhất toàn cầu.

Tầm nhìn từ RCEP

Việt Nam đã hiện thực hóa giấc mơ trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021), cùng lúc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Chiến lược ngoại giao “kép” có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, đưa Việt Nam - một thành viên ASEAN - có tầm ảnh hưởng đến các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

TS. Kavi Chongkittavorn, cố vấn truyền thông cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho rằng, các ưu tiên mà Việt Nam đưa ra trong Năm Chủ tịch ASEAN không ngoài nỗ lực chung thực hiện đường lối ngoại giao đa phương.

Tuy nhiên, việc tự chủ của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào việc hội nhập nhanh và hiệu quả vào cộng đồng khu vực và quốc tế. Ở góc độ kinh tế, trong năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ chứng kiến lễ ký RCEP vào cuối năm. Đây là điểm nhấn kinh tế lớn của Việt Nam trong năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS. Yasuhiro Yamada, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch ERIA về vấn đề Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) đánh giá, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 ghi dấu vai trò của Việt Nam ở vị thế mới là quốc gia có thu nhập trung bình và sẽ tác động nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam, trong đó, RCEP có thể tác động lớn tới mục tiêu tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng các lợi thế tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Với lộ trình đưa thuế suất các mặt hàng trong ASEAN về 0%, Việt Nam sẽ có những điều chỉnh giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi thế và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN.

Theo GS. Yamada, ASEAN đang vận động Ấn Độ tham gia RCEP. Nếu thuyết phục được Ấn Độ tham gia hiệp định này, thì đây sẽ là thành công lớn trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

“Thập niên tới là giai đoạn quan trọng để Việt Nam tiếp tục mở rộng các hoạt động kinh tế không chỉ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn với Ấn Độ, bởi thị trường Ấn Độ rộng lớn, mới mẻ và đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam, song đây cũng là thị trường không dễ cạnh tranh”, ông Yamada nói.

Các sản phẩm “made in Vietnam” có độ gần gũi với thị trường Ấn Độ, từ sản phẩm công nghệ thông tin (gia công phần mềm) đến thực phẩm, ô tô và dệt may.

Nếu ô tô Việt Nam tiến sang thị trường Ấn Độ thì điều đó cũng không đáng ngạc nhiên, bởi Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đã thành công khi xuất khẩu ô tô sang thị trường ASEAN, trong khi Công ty TC Motor cũng nhắm đến xuất khẩu ô tô sang thị trường này. “Cạnh tranh với Tata - ‘ông lớn’ ô tô Ấn Độ - là bài toán mà doanh nghiệp ô tô Việt Nam phải giải quyết, nhưng nếu cạnh tranh được, thì thị trường Ấn Độ mở ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp ô tô Việt Nam”, GS. Yamada nói.

Cắt nghĩa “Gắn kết và Chủ động thích ứng”

Theo đánh giá của TS. Kavi Chongkittavorn, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã nhanh chóng xúc tiến các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, tạo cánh cửa rộng mở cho hàng xuất khẩu đi các nước. Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN đàm phán và ký kết nhiều FTA nhất, với 17 hiệp định. Trong đó, Việt Nam là thành viên ASEAN duy nhất tiếp cận được sân chơi Liên minh Kinh tế Á - Âu, khi nước ta ký kết FTA với liên minh này.

Thập niên tới là giai đoạn quan trọng để Việt Nam tiếp tục mở rộng các hoạt động kinh tế không chỉ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn với Ấn Độ.   

“Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam chọn chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020: ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, TS. Chongkittavorn nhận định.

Với ý nghĩa “Gắn kết”, Việt Nam muốn tăng cường vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN. Thêm vào đó, Việt Nam muốn nâng cao năng lực nội tại của tất cả các quốc gia thành viên và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các cộng đồng ASEAN.

Ở góc độ “Chủ động thích ứng”, Việt Nam muốn nâng cao năng lực của ASEAN trong mọi lĩnh vực, nhằm ứng phó hiệu quả hơn với những diễn biến nhanh và phức tạp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như trên thế giới, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cách mạng công nghiệp 4.0, các thách thức an ninh phi truyền thống…

Với “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam hướng tới tăng cường các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, đặc biệt trao đổi giữa người dân với người dân; khuyến khích bản sắc ASEAN và đặt người dân ASEAN vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển…

Bác bỏ những trở ngại liên quan đến Biển Đông và một số vấn đề khu vực khác mà truyền thông phương Tây nêu khi Việt Nam đảm nhiệm Năm Chủ tịch ASEAN 2020, TS. Kavi Chongkittavorn cho rằng, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam đảm nhiệm sẽ rất suôn sẻ bởi Việt Nam sẽ đảm bảo thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản khi đảm nhiệm vai trò này.

Tin bài liên quan