Cách đây vài tháng, khi các số liệu kinh tế cho năm 2017 được công bố, tín dụng tiêu dùng lập tức bị “mổ xẻ”.
Theo thống kê Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Stoxplus, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này của năm 2017 lên tới… 65%, mức tăng trưởng có lẽ giữ kỷ lục trong mọi ngành kinh tế. Con số này càng ý nghĩa hơn khi năm kề trước là 2016, mức tăng trưởng cũng lên tới 50,2% so với năm 2015.
Với tốc độ tăng trưởng đó, dư nợ tín dụng cả nước có quy mô 26,5 tỷ USD (khoảng 583.000 tỷ đồng) vào cuối năm 2017.
Con số này lớn thế nào? Nếu có một phép so sánh thì đây là một nửa dư nợ của Agribank, ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, vừa kỷ niệm 30 năm thành lập.
Rất nhiều lý giải được đưa ra với con số này, thậm chí không ít cảnh báo tính trạng các ngân hàng “lách”, chuyển các khoản vay bất động sản sang vay tiêu dùng, thay vì cho vay chủ đầu tư, ngân hàng chuyển cho vay người mua nhà. Việc dồn tiền vào bất động sản hay chứng khoán, luôn được coi là lĩnh vực nhiều rủi ro.
Một số ý kiến khác cho rằng, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nóng tự thân nó có thể tạo ra khủng hoảng. Năm 1998, Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng khi người dân vay mua hàng quá sức chi trả, sau đó 10 năm, nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng vay nợ dưới chuẩn,…
Tín dụng tiêu dùng còn thỉnh thoảng còn được nhắc tới khi chính những người tiêu dùng lên tiếng phàn nàn về chất lượng dịch vụ không như cam kết.
Những phản ánh, phân tích hay cảnh báo như trên đều được thừa nhận một cách rộng rãi, như một sự thật tất yếu khi thị trường di chuyển với tốc độ cao, chỉ có thể vừa làm vừa điều chỉnh. Nhưng cũng từ sự tăng trưởng nóng đó có thể thấy một điều rất lớn khác đó là một “nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn”.
Nhu cầu vay mượn chi tiêu vẫn luôn hiện hữu, nhưng trước đây được thỏa mãn nhờ thị trường tài chính phi chính thức, mà theo một số liệu thống kê có quy mô tới 50 tỷ USD, dưới hình thức vay mượn cá nhân, bao gồm cả góp hụi, vay nặng lãi, tín dụng đen,...
Sự xuất hiện của các sản phẩm vay phù hợp từ các ngân hàng và đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng với những món vay rất nhỏ từ vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng, đã ngay lập tức được đón nhận. Ðây chính là mặt tích cực của tín dụng tiêu dùng tạo ra, một hoạt động cho vay chính thức được pháp luật bảo hộ đang dần làm thu hẹp và thay thế thị trường tín dụng phi chính thức, nơi mà những hệ lụy xã hội dễ xảy ra.
Nếu một ngân hàng cỡ trung, sau 20 năm phát triển có thể tự hào về thành tích phục vụ 4 triệu khách hàng cá nhân thì lĩnh vực tín dụng tiêu dùng với chỉ các công ty tài chính tiêu dùng đang phục vụ tới 30 triệu khách hàng.
Một con số quá lớn để những sai sót trong việc cung cấp có thể xảy ra, nhưng rõ ràng tín dụng tiêu dùng đã đi được một bước cần thiết để phục vụ một “nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn”. Nhu cầu lớn này không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn hiện diện ở khắp nơi, từ cung cấp thực phẩm an toàn đến giao thông, y tế và giáo dục…