Ngoài sự thận trọng cần thiết của Việt Nam trong việc nới rộng không gian cho dòng vốn ngoại trước bối cảnh xung đột trên biển Đông diễn biến phức tạp, còn có nguyên nhân khác, có thể là yếu tố dẫn đến sự chần chừ... nới room.
Hiện nay, dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà đầu tư thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, châu Âu và một số quốc gia khác. Bên cạnh một số tổ chức huy động vốn với chủ đích đầu tư vào Việt Nam (Dragon Capital, VinaCapital, PXP...), đa số các nhà đầu tư quốc tế có hoạt động đầu tư rộng khắp thế giới. Việt Nam chỉ là một trong số nhiều sự lựa chọn thị trường của họ.
Tại Việt Nam, việc nới room trên TTCK được kỳ vọng sẽ thu hút thêm một lượng vốn ngoại mới, dòng chảy của vốn ngoại chắc chắn sẽ chảy vào các DN tốt, đã cạn room như VNM, SSI, PVD, DHG... Nới room sẽ giúp vốn ngoại vào Việt Nam nhiều hơn, hỗ trợ DN Việt Nam không chỉ về vốn, mà còn là trí tuệ, công nghệ, cách thức quản trị để mở rộng thị trường phát triển. Tuy nhiên, nếu mục tiêu này chỉ đạt được với khoảng 20 DN niêm yết đang hoạt động tốt, đã cạn room, đó chưa phải là giải pháp tổng thể để cải cách DN, DNNN trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến thị trường vốn, mục tiêu lớn nhất và quyết liệt nhất Chính phủ đặt ra năm 2014 - 2015 là tái cấu trúc DNNN thông qua việc cổ phần hóa, bán bớt vốn Nhà nước. Trong 2 năm 2014-2015 phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp. Theo ông Đoàn Hùng Viện, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, đây là nhiệm vụ to lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm, có những giải pháp mới, đột phá, dồn sức thực hiện để có được kết quả.
Nhưng làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ to lớn này? Chính phủ đã dành nhiều nỗ lực sửa đổi quy định pháp lý, thực hiện xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các DN đẩy nhanh tiến trình xác định giá trị DN... Thông điệp xuyên suốt trong quá trình tái cấu trúc DNNN, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói là Việt Nam mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các đợt đấu giá cổ phần Nhà nước. Tạo điều kiện là một việc, nhưng để dòng chảy vốn ngoại vào các đợt chào bán của DNNN Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn này là hữu hạn, cần phải có ứng xử phù hợp giữa thị trường IPO và thị trường niêm yết hiện nay.
Mọi khoản đầu tư tài chính đều chọn tiêu chí lợi nhuận là số 1, nên nơi nào sinh lời tốt hơn, vững vàng hơn, sẽ hấp dẫn trước. Đây được coi là điểm trăn trở thứ hai, khiến vấn đề nới room trên TTCK Việt Nam, tuy đã được ủng hộ về chủ trương trong dài hạn, nhưng tạm chững lại để hài hòa hơn trong việc hướng dòng chảy vốn ngoại vào các đợt bán vốn của DNNN đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ từ nay đến hết năm 2015.