Tôi còn nhớ đâu đó cũng 15 – 16 năm trước, bữa ấy lần đầu tôi ghé Sài Gòn. Và trong một đêm tình cờ, tôi ngã vào một phòng trà ca nhạc của Toàn Nguyễn, quán nhỏ, hình như nằm trong con ngõ cũng bé xinh của phố Trần Cao Vân (quận 1). Quán có cái tên giản dị “Hà Nội và tôi”.
Giữa Sài Gòn hoa lệ, quán nép mình khiêm nhường, như những quán quen của nhiều tín đồ cà phê đất Bắc. Đêm đó, tôi gặp và nghe Toàn Nguyễn mê mải hát những tình khúc về Hà Nội. Tình cờ thay, phần lớn là các ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang.
Giọng Toàn Nguyễn không nổi bật, nhưng trong gam giọng trầm ấm đầy trải nghiệm, bụi bặm và sương gió, trong ngón đàn thùng rất mộc, Toàn Nguyễn khiến nhiều người lặng đi khi nghe ông kể về Hà Nội qua từng ca khúc. Đêm đó, trong phần giao lưu, tôi cũng mạnh dạn mang chút phong vị miền Bắc mà đãi đám bạn đi cùng, bài “Đâu phải bởi mùa Thu”. Hát xong cũng thấy được vỗ tay, tặng bông, chẳng biết do hát không tệ, hay vì phép lịch sự trong nét giao tế của người phương Nam nữa.
Miết sau này, có bận đang ngồi ủ ê ở công ty trong buổi buổi tàn Thu, chiếc xe đẩy dạo qua con phố nhỏ lại vang lên giọng ca của Toàn Nguyễn. 10 năm trước, việc bán các băng, đĩa nhạc bằng hình thức tiếp thị di động kiểu này còn phổ biến lắm. Và như gặp lại cố nhân, hay giản đơn là chạm vào một chút kỷ niệm của những bận lại qua Hà Nội – Sài Gòn. Tôi đã mua cho mình một CD như thế.
Bận khác, chỉ trước khi Covid-19 hoành hành thôi, tôi có dịp tụ hội cùng anh em đồng nghiệp miền Nam, chả hiểu sao bữa đó, ở xứ nóng, mấy anh bạn cũng tha thiết hát về Hà Nội. Và đương nhiên, thật khó để nhớ về Thủ đô mà lại thiếu vắng những tình khúc của Phú Quang.
Tôi thấy người ta bảo, Phú Quang là một trong những người yêu Hà Nội nhất. Điều thật khó đong đếm đúng sai, nhưng tôi thì luôn tin là vậy.
Trong nhiều người viết về Hà Nội, có lẽ Phú Quang định danh mình rõ nhất. Không hiểu sao, tôi luôn thấy nhạc của ông viết về Hà Nội thật đa sắc, vừa lịch lãm Hà thành, lại vừa mộc mạc, giản dị và dễ gần.
Tôi cũng thích cái tính đại chúng trong nhạc của Phú Quang. Hầu như ai cũng có thể hát nhạc ông, nó phổ biến đến độ cũng khó để kiếm người không thuộc đôi ba bài, hay có thể ngân nga bất kỳ lúc nào những tình khúc si mê Hà Nội như thế.
Nhưng dễ hát thì đúng, còn hát hay thì dường như lại khó vô cùng. Thế nên, trong rất nhiều ca sĩ, không có nhiều người dám hát nhạc Phú Quang.
Tôi cũng thích cách Phú Quang có cho mình những đêm nhạc, mà thường sẽ được tổ chức ở thánh địa âm nhạc của Thủ đô – Nhà hát Lớn. Những lúc như thế, lại thấy dường như Phú Quang đang kể về mối tình của mình cùng Hà Nội, cùng những nét Thu, cùng hồ Gươm, tháp Rùa… Dầu vẫn là những bài hát cũ, nhưng lần nào cũng lại rất mới.
Đạo diễn Lê Hoàng đã viết: “Nếu bạn ra chợ Đồng Xuân, thấy một người bán dao thớt, dứt khoát phải là một ông già. Nếu ai bán hành tỏi, chắc chắn là một bà già. Nếu thấy ai bán hoa, nhất định phải là một cô gái. Còn nếu ai bán Hà Nội, cam đoan sẽ là Phú Quang”.
Lê Hoàng còn viết: “Vào thời kỳ cực thịnh, thiên hạ đồn: để chứng minh mình là dân Hà Nội, mọi công dân đều phải xuất trình hai thứ: sổ hộ khẩu và nhạc Phú Quang. Thiếu một trong hai thứ này coi như chưa đủ tiêu chuẩn”.
Phú Quang yêu Hà Nội và nhờ Hà Nội mà nổi danh, “hai số phận” ấy cũng đã gắn với nhau một chặng đường dài. Tôi vẫn hay đùa với bạn bè mình rằng, tình yêu là một bài ca – mà người viết nhạc thật thà chép lên.
Nhiều người yêu Hà Nội theo cách của riêng mình, theo những lý do cũng riêng không thể định nghĩa. Nhưng tôi yêu Hà Nội có một phần từ những ca khúc của Phú Quang. Một tình yêu đẹp mà mang tính lây lan như thế, kể cũng đáng để yêu.
Tạm biệt!