Biểu tượng của Amazon, Apple, Google và Facebook. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hầu hết người dân trên khắp thế giới trong năm 2020 đều phải trải qua lệnh phong tỏa và thực hiện quy định giãn cách xã hội, theo đó thời gian ở nhà và làm việc từ xa của mỗi cá nhân cũng tăng lên.
Thực tế này đã đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, qua đó nâng tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn đối với hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu.
Trong đại dịch, hầu hết các hoạt động của con người như học tập, làm việc, mua sắm, tư vấn sức khỏe,... đều được thực hiện trực tuyến. Trong khi người dùng phương Tây lựa chọn Google hay Facebook, thì hàng trăm triệu người Trung Quốc tập trung vào các nền tảng của Baidu, Alibaba, Tencent hoặc Xiaomi.
"Kẻ khóc, người cười" là điều không thể tránh khỏi trong đại dịch. Trong khi chính phủ các nước phải chi hàng nghìn tỷ USD nhằm cứu vãn tình trạng phá sản và thất nghiệp lan rộng, thì giá trị cổ phiếu của các công ty này đã tăng mạnh kể từ tháng 1: cổ phiếu của Facebook tăng 35%, Amazon tăng 67% và Apple tăng 68%.
Giá trị cổ phiếu của Zoom, ứng dụng họp trực tuyến ra mắt năm 2011 do một kỹ sư đến từ California (Mỹ) tạo ra, đã nhảy vọt tới 600% trong năm 2020, còn giá trị cổ phiếu của Airbnb cũng tăng gấp đôi trong ngày diễn ra thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của công ty này.
Trong khi đó, các ứng dụng của Trung Quốc, vốn từ lâu bị bó hẹp trong thị trường nội địa, lại đang bùng nổ tại nhiều cửa hàng ứng dụng trên khắp thế giới, nổi bật là ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, ứng dụng mua sắm quần áo SHEIN và một nền tảng chia sẻ video khác là Likee.
COVID-19 có thể giúp các công ty công nghệ lớn phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng nó cũng làm dấy lên những lời kêu gọi chấn chỉnh các công ty này, với xu hướng ngày càng mở rộng sau hàng trăm vụ việc thâu tóm thị trường.
Ông Toledano, người từng viết cuốn sách về việc đòi lại quyền kiểm soát từ Google, Amazon, Facebook và Apple, cho biết đến năm 2017, các lợi ích, đặc biệt trong lĩnh vực cải tiến công nghệ, được xem là vượt trội so với những tổn thất.
Vị thế của các công ty này cũng đã thay đổi, sau hàng loạt các cáo buộc trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, ăn cắp nội dung truyền thông và lan truyền tin giả.
Liên minh châu Âu (EU) đã công bố bộ quy tắc mới đầy tham vọng nhằm kiểm soát các công ty này, từ việc hạn chế sức mạnh của họ trong thị trường chung cho đến thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với việc phát tán tin giả và những tuyên bố mang tính kích động, cũng như yêu cầu chuyển đổi thuật toán.
Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) đã khiến các công ty phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc, hoặc thậm chí bị loại khỏi thị trường EU do vi phạm quy định.
Bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU cho biết dự thảo luật sẽ "lập lại trật tự cho thế giới trực tuyến hỗn loạn," kiểm soát những "kẻ gác cổng" vĩ đại đang thâu tóm các thị trường.
Mỹ cũng đang hành động trước những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh, khi các cơ quan thi hành pháp luật liên bang và quốc gia của nước này đệ đơn kiện Facebook hôm 9/12 nhằm lật lại các thương vụ thâu tóm Instagram và WhatsApp.
Bộ trưởng Tư pháp bang New York Letitia James cho biết trong gần 10 năm qua, Facebook đã sử dụng ưu thế và sức mạnh độc quyền để chèn ép các đối thủ nhỏ hơn, cũng như dập tắt khả năng cạnh tranh của các công ty này, hoàn toàn bằng chi phí hàng ngày của người dùng.
Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ và 11 bang của nước này cũng đã kiện Google, cáo buộc công ty này tăng cường độc quyền trên lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, giới chức nước này đã siết chặt quy định về nội dung trong vài tháng qua, cũng như thông báo các quy định mới về thương mại điện tử.
Việc đình chỉ IPO đối với công ty thanh toán trực tuyến Ant Group, có giá trị vốn hóa lên tới 34 tỷ USD, được giới quan sát nhận định là đòn mạnh của Chính phủ Trung Quốc đối với hoạt động thương mại điện tử.
Tuần trước, các thanh tra thị trường đã mở cuộc điều tra đối với Alibaba, công ty mẹ của Ant.
Các lãnh đạo của 4 “đại gia” công nghệ Facebook, Google, Apple và Amazon phải điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ liên quan các cáo buộc về hành vi độc quyền. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Bất chấp phản đối từ phía cộng đồng về việc không kiểm soát nguồn tin sai sự thật và phát biểu kích động, lợi nhuận ròng của các công ty công nghệ không bị ảnh hưởng nhiều.
Tại Mỹ, Facebook bị các nhà quảng cáo kêu gọi tẩy chay hồi tháng 7, cùng với làn sóng hưởng ứng đòi "quyền được sống cho người da màu," song không chịu thiệt hại đáng kể nào về kinh tế.
Các nền tảng gọi xe là Uber và Lyft, từng từ chối tuyển hàng nghìn tài xế theo yêu cầu luật pháp tại California, vẫn thu hút rất nhiều người ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 11 vừa qua.
Tại Pháp, Amazon bị cáo buộc phá hoại các doanh nghiệp nhỏ, bóc lột nhân viên và thúc đẩy việc tiêu dùng quá mức bất chấp rủi ro về môi trường, thế nhưng công ty của tỷ phú Jeff Bezos vẫn đạt mức doanh thu kỷ lục trong ngày "Black Friday" vừa qua.
Bà Shoshana Zuboff, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, đồng thời là tác giả của cuốn sách viết về "chủ nghĩa tư bản kiểm soát," đã lên tiếng phản đối việc bán dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu hồi tuần trước, bà Zuboff cho biết cần ngăn chặn khả năng Google thâu tóm công ty chế tạo thiết bị theo dõi sức khỏe FitBit.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng hoạt động quảng cáo tập trung không phải điều gì mới. Jacques Cremer, Giáo sư tại Đại học Kinh tế Toulouse (Pháp), cho rằng việc Facebook, Google và Twitter sử dụng dữ liệu để quảng cáo là "bình thường."
Theo ông Cremer, việc kiểm soát các nền tảng công nghệ là điều cần thiết, nhưng cần tránh biến những nền tảng này thành "bù nhìn," bởi đó là sản phẩm của "những công ty sáng tạo, có hệ thống quản lý tuyệt vời và chất lượng dịch vụ cao".