Ông Taizo Son

Ông Taizo Son

Taizo Son - tham vọng dựng nên Thung lũng Silicon của Nhật Bản

(ĐTCK) “Nhật Bản có nhiều nhân tài và các quỹ đầu tư, nhưng lại thiếu hệ sinh thái cần thiết để tạo ra một Thung lũng Silicon cho riêng mình. Đó chính là thứ chúng tôi muốn cung cấp”, Taizo Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mistletoe nói.

Taizo Son là em trai út của Masayoshi Son - tỷ phú giàu thứ nhì Nhật Bản. Masayoshi Son là vị thuyền trưởng đã đưa Tập đoàn SoftBank trở thành một đế chế đầu tư mạo hiểm với nhiều thương vụ lớn, trong đó phải kể đến việc chi 20 triệu USD đầu tư vào Alibaba từ năm 2000, lúc Alibaba vẫn còn “vô danh tiểu tốt”. Giờ đây, Nhật Bản có thêm một người con trai nhà họ Son đang nuôi tham vọng thay đổi thế giới.

Trong bối cảnh những những công ty công nghệ trong giai đoạn khởi nghiệp (startup) bắt đầu lớn mạnh ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là với sự bành trướng công nghệ của Trung Quốc, thì Nhật Bản ấp ủ hy vọng giành lại vị thế dẫn đầu như thuở vàng son, ở cả mảng công nghệ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Để làm được điều này, việc thiết lập cầu nối giữa các startup với nhà đầu tư mang ý nghĩa quan trọng.

Nắm bắt xu thế đó, Taizo Son là một doanh nhân trẻ đã có tầm nhìn rộng và những bước đi đúng đắn, nối bước thành công của anh trai mình là Masayoshi Son. Song hướng đi của Taizo Son có một số khác biệt. Trong khi Masayoshi Son theo đuổi chiến lược tăng trưởng bằng cách thực hiện nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập trị giá hàng tỷ USD tại Mỹ và Ấn Độ, thì Taizo Son quan tâm nhiều tới việc “tiếp năng lượng” cho các startup địa phương.

Năm 2013, Taizo Son đã thành lập Mistletoe, đặt ra sứ mệnh hàng đầu của Công ty là hỗ trợ các chương trình đào tạo startup và pitch event (sự kiện nơi các doanh nhân trình bày ý tưởng của mình để thuyết phục nhà đầu tư). Bên cạnh đó, Công ty hợp tác với các quỹ nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, từ vận tải cho đến… dân số già.

“Nhật Bản có nhiều nhân tài và các quỹ đầu tư, nhưng lại thiếu hệ sinh thái cần thiết để tạo ra một Thung lũng Silicon cho riêng mình. Đó chính là thứ chúng tôi muốn cung cấp”, Taizo Son cho biết.

“Con đường để Nhật Bản phát triển hệ sinh thái riêng độc đáo là phải để cả startup và doanh nghiệp lớn cùng tồn tại và hợp tác. Chúng tôi muốn là cây cầu đó”, ông nói.

Trưởng thành trong thời kỳ bong bóng dotcom những năm 1990, Taizo thấu hiểu những khó khăn liên quan đến gọi vốn hay thu hút nhân tài đối với các startup. Do đó, ông luôn muốn làm việc cùng và trở thành cố vấn cho họ. Tính đến nay, 3 năm kể từ khi thành lập Mistletoe, Taizo Son đã đầu tư trực tiếp khoảng 10 tỷ yên (97 triệu USD) vào khoảng 30 startup; đồng thời thu lợi nhuận cho Misletoe nhờ đầu tư vào 500 startup khác.

Một trong những startup nổi bật mà ông “đỡ đầu” là Fomm Corp - hãng chuyên sản xuất xe điện nhỏ gọn giá rẻ, hoạt động được dưới nước, nhắm đến các quốc gia hay gặp lũ lụt như Thái Lan, Indonesia; ngoài ra còn có máy bay không người lái, được sử dụng ở Rwanda để cung cấp máu và thuốc men cho các bệnh viện nông thôn ở nước này. Mới đây, Taizo Son còn đầu tư và trở thành cố vấn cho startup lớn nhất Đông Nam Á Garena.

“Chúng tôi không quyết định theo kiểu sẽ làm một điều gì đó chỉ vì lợi nhuận, hay sẽ không làm những thứ không có lợi nhuận. Điều quan trọng là những người cùng chí hướng có thể kết hợp với nhau để tạo nên giá trị”, Taizo Son nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của Mistletoe ở Tokyo.

Có thể thấy, “lò luyện kim” Mistletoe của Taizo Son có những nét khá tương đồng với “vườn ươm công nghệ” Y Combinator của Paul Graham (công ty đầu tư cho các startup tại Mỹ, trong đó có Dropbox, Airbnb…). Những mô hình cầu nối này đã góp phần không nhỏ thay đổi môi trường kinh doanh cho các doanh nhân, tạo điều kiện để các startup có cơ hội phát triển.

Trong quá khứ, Taizo Son được biết đến với thành công khi gây dựng Yahoo Nhật Bản năm 1996, khi vẫn còn là sinh viên. Năm 2002, ông sáng lập Công ty Gungho Online Entertainment chuyên sản xuất game online. Năm 2012, Gungho tung ra game “Puzzle & Dragons” - game được mệnh danh là “Angry Birds” của Nhật Bản, được chơi bởi 10% dân số nước này và góp phần tăng khối tài sản của Taizo Son từ 95 triệu USD lên 3 tỷ USD chỉ trong 1 năm. Hiện doanh nhân 43 tuổi đang nắm giữ 24% cổ phần của Gungho với giá trị ước tính khoảng 270 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg.

Tin bài liên quan