Trong báo cáo về thực trạng bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam mới đây, Bảo hiểm Bảo Minh – một trong những doanh nghiệp bảo hiểm được giao triển khai - đã kiến nghị về những vướng mắc và đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu phương thức triển khai sao cho hiệu quả, gắn liền với kinh tế ngành nông nghiệp và các chương trình quốc gia khác như nông thôn mới, kinh tế nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn…
“Nông nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp gặp quá nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh. Chính sách về bảo hiểm nông nghiệp chưa thực sự khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo hiểm khiến họ không mặn mà. Bản thân các nhà bảo hiểm nông nghiệp cũng chịu rủi ro không kém gì nông dân”, Bảo Minh khẳng định.
Các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại cũng đồng quan điểm cho rằng, công tác đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm và kiểm soát rủi ro trong thời hạn bảo hiểm là khá rộng, trong khi lực lượng tại chỗ của doanh nghiệp bảo hiểm còn mỏng, tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là sản xuất nhỏ, manh mún, lại thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thiên tai.
Trong khi đó, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế, nên gặp khó khăn từ khâu kiểm tra, xác định, đánh giá đối tượng bảo hiểm, rủi ro bảo hiểm, tiêu chuẩn sản xuất, canh tác…
Chưa kể, các nhà bảo hiểm cũng chưa thể chủ động kiểm soát quy trình canh tác nông nghiệp, mà chủ yếu còn phải dựa vào kết quả kiểm tra, kiểm soát do cán bộ nông nghiệp tại địa phương thực hiện.
Ngoài ra, theo Bảo Minh, công tác giám định, xác định loại dịch bệnh, xác định thiệt hại cũng trong tình trạng khó khăn. Doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể xây dựng và hoàn thiện được đội ngũ cán bộ có chuyên môn để có thể chủ động trong công tác giám định bồi thường, thực tế vẫn trông chờ nhiều vào kết quả giám định, bồi thường từ phía ban chỉ đạo các cấp.
Chưa kể, về năng lực tài chính và tái bảo hiểm, do rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong bảo hiểm nông nghiệp mang tính chất thảm họa và phạm vi, mức độ thiệt hại về mặt tài chính rất lớn, vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, tình hình tổn thất và bồi thường rất lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm nông nghiệp.
Còn về phía người nông dân, thực tế thời gian thí điểm cho thấy, có hộ thì tham gia ít hoặc không tham gia, hoặc lựa chọn các đối tượng được bảo hiểm có rủi ro cao để tham gia. Đối với các hộ đã tham gia bảo hiểm, còn nhiều tư tưởng lợi dụng chính sách, gây sức ép số đông lên các cấp chính quyền và doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện.
Để giải quyết vướng mắc trên, các nhà bảo hiểm này cũng cho rằng, cần ưu tiên lựa chọn sản phẩm có công cụ quản lý giám sát và đánh giá thiệt hại gắn liền với công nghệ 4.0.
“Trong thời đại công nghệ 4.0, thế giới đã và sẽ áp dụng những công nghệ liên quan đến đánh giá rủi ro, đánh giá tổn thất. Việc lựa chọn và thiết kế sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp nên gắn liền với những công nghệ hỗ trợ, hoặc hướng sản phẩm đến mô hình bảo hiểm chỉ số”, Bảo Minh đề xuất.
Theo đó, về đối tượng bảo hiểm, cụ thể là bảo hiểm cây lúa cần tiếp tục triển khai bảo hiểm theo chỉ số năng suất như chương trình thí điểm đã thực hiện hoặc bảo hiểm theo các hình thức khác được Bộ Tài chính cho phép, sản phẩm có thể gắn với quy mô cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh triển khai bảo hiểm cây lúa, áp dụng một số kỹ thuật mới trong công tác giám định tổn thất hoặc xác định năng suất bằng ảnh vệ tinh…
Còn với đối tượng là bảo hiểm vật nuôi, cần lựa chọn đối tượng vật nuôi được bảo hiểm, tập trung vào bò, bò sữa, lợn thịt. Cần cải thiện khâu đánh dấu vật nuôi được bảo hiểm, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý khi giám định bồi thường. Đối với các loại vật nuôi nhỏ như gia cầm, gà vịt…, cần tăng cường nghiên cứu hướng bảo hiểm khác có hiệu quả hơn.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của các doanh nghiệp bảo hiểm, theo Bảo Minh, cũng cần được áp dụng với bảo hiểm thủy sản.
Dẫu vậy, để áp dụng công nghệ 4.0 đối với một nghiệp vụ bảo hiểm còn lạc hậu như nông nghiệp, theo các doanh nghiệp bảo hiểm là không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan.
“Vai trò các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách nông nghiệp của Chính phủ. Phía doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn không thể chủ động thực hiện việc này”, Bảo Minh kiến nghị.