Thực tế, ĐTCK đã phản ánh vấn đề này từ cuối tháng 6 trong bài viết “NHNN cảnh báo sớm dòng tiền lệch hướng” với nội dung, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã chính thức lên tiếng về việc một số TCTD có xu hướng đẩy mạnh tín dụng đối với các dự án BOT giao thông. Cơ quan này cũng đã chỉ rõ, xu hướng trên nhằm tăng nhanh quy mô tín dụng đã tạo ra áp lực lớn về huy động vốn, gia tăng rủi ro do tập trung tín dụng vào một số ít khách hàng hoặc ngành, lĩnh vực.
Cảnh báo này đã được công bố tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015, nghĩa là chỉ trong nội bộ hệ thống. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7/2015, việc Thống đốc NHNN chính thức ban hành Chỉ thị số 05 về vấn đề này khiến thị trường đặt câu hỏi, tại sao lại phải ban hành Chỉ thị? Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo NHNN cho biết những lý do sau đây.
Thứ nhất, việc cho vay đối với các dự án BOT, BT trong những hợp đồng vừa qua cho thấy, thời gian vay ngắn nhất là khoảng 15-18 năm và dài nhất là 25-30 năm. Riêng trong năm 2014, cam kết cho vay kết cấu hạ tầng là khoảng 115.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay BOT, BT của các ngân hàng là gần 89.000 tỷ đồng. Số liệu được cập nhật mới nhất, từ đầu năm 2015 tính đến 31/3/2015, cho vay BOT đã đạt xấp xỉ 81.000 tỷ đồng.
Vị lãnh đạo trên phân tích cụ thể, năm ngoái cũng có những dư thừa nhất định về nguồn vốn và để có tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã đổ vốn vào cho vay giao thông. Tuy nhiên, năm nay, nguồn vốn không dư thừa khi tính đến thời điểm hiện tại, huy động chỉ đạt khoảng 5% trong khi cho vay trên 7%.
Thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải lúc nào cũng dư dả nguồn vốn, trong khi các khoản cho vay BOT, BT có giá trị lớn, kéo dài nhiều năm. Khả năng gây ra các rủi ro như mất cân đối nguồn vốn đối với từng ngân hàng cụ thể, hệ thống và toàn nền kinh tế là hiện hữu.
“Nguồn vốn không được dư dả như những năm vừa rồi nên năm nay, vấn đề đặt ra là vốn phải đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, cần phải nắn dòng vốn vào đúng địa chỉ”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Thứ hai, quá trình rà soát vừa qua của NHNN cho thấy rủi ro lớn khi có những “lệch lạc” đối với các đơn vị tham gia dự án ngay từ đầu. Cụ thể, có những DN không có kinh nghiệm bởi chưa từng đầu tư, tham gia xây dựng dự án cơ sở hạ tầng.
Đồng thời, điều quan trọng là năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu để tham gia vào dự án theo đúng cam kết. Trong khi để một dự án có hiệu quả, phải tính đến năng lực tài chính của DN, khả năng thu hồi vốn sau khi dự án được triển khai, hoàn thiện, đi vào vận hành và được quản lý như thế nào.
“NHNN cảnh báo để thận trọng hơn chứ không ngăn cản, nhằm khiến các ngân hàng cũng buộc phải tự “liệu cơm gắp mắm”. Trên thực tế, NHNN vẫn đang trình Chính phủ một gói vốn dành cho giao thông và đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải”, vị lãnh đạo trên nói.
Thực tế cho thấy, việc cho vay các dự án giao thông BOT, BT được khá nhiều ngân hàng ưa thích, bởi tính chính thống là dự án hạ tầng công, không phải lo lắng nhiều, chỉ mất một lần công thẩm định và rồi “ngồi” hưởng lợi, đặc biệt từ các dịch vụ đi kèm.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tập trung chủ yếu tại các ngân hàng có vốn Nhà nước là chính như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trong khi đó, khối NHTM nhà nước hiện chiếm thị phần lớn nhất trong toàn hệ thống, tính đến tháng 4/2015, chiếm xấp xỉ 46% về huy động vốn, khoảng 55% về tín dụng và 50% về tài sản.
“Đầu tư cho cơ sở hạ tầng là cần thiết, cần xã hội hóa, nhưng song song với đó cũng cần phát hành trái phiếu chính phủ đối với các công trình trọng điểm quốc gia”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.
Chính bởi các lý do trên, Thống đốc NHNN đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các dự án BOT, BT giao thông; cung cấp thông tin và kịp thời cảnh báo cho các TCTD về những rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD trong cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là các dự án BOT, BT giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài.