Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) có sử dụng nguồn than nhập

Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) có sử dụng nguồn than nhập

Tại sao nhà máy nhiệt điện cứ phải mua than ngoại?

Câu chuyện mua than nội hay dùng than ngoại cho sản xuất điện đã được một số nhà sản xuất điện đặt ra, khi thực tế giá than ngoại đang có xu hướng rẻ hơn than nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đơn vị chuyên cung cấp than để sản xuất điện cho biết, kế hoạch cấp than cho sản xuất điện năm 2016 của Vinacomin là 27,6 triệu tấn, cao hơn 5 triệu tấn so với mức 22,6 triệu tấn cấp cho ngành điện trong năm 2015.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần của Vinacomin, nếu cộng thêm phần của Tổng công ty Đông Bắc tham gia cấp than cho ngành điện thì tổng lượng than sẽ là 32,2 triệu tấn trong năm 2016.

“Nếu nhu cầu than cho sản xuất điện tăng lên, Vinacomin sẽ tăng nguồn cấp than để đáp ứng”, ông Biên nói và cho biết, ngành than cam kết cấp than ổn định và đảm bảo chất lượng cho các nhà máy điện theo hợp đồng đã ký. Giá cả sẽ theo quy định của Bộ Tài chính.

Câu chuyện mua than nội hay dùng than ngoại cho sản xuất điện đã được một số nhà sản xuất điện đặt ra, khi thực tế giá than ngoại đang có xu hướng rẻ hơn than nội. Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1) cho hay, Genco1 đang đàm phán với các nhà sản xuất than Indonesia về khả năng cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3 đặt tại Trà Vinh. Thậm chí, Genco1 cũng đang có phương án nhập khẩu 200.000 tấn than từ tháng 3/2016 trên thị trường giao ngay để phục vụ chạy thử, trong khi chờ ký được hợp đồng mua than dài hạn.

"Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin, ký hợp đồng mua than của Vinacomin, khách hàng có thể yên tâm với chất lượng ổn định và nguồn than được đảm bảo trong thời gian dài theo hợp đồng. "

Trước đề nghị được mua than ngoại do có giá rẻ hơn than nội của các tổng công ty phát điện, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang có nhiều nhà máy điện mua than của Vinacomin nhắc nhở, các công ty sản xuất điện phải đặc biệt lưu ý vấn đề cấp than ổn định với hợp đồng dài hạn cho nhà máy, chứ không thể chỉ nhìn tới cái lợi  trước mắt.

Chia sẻ thực tế này, ông Biên cũng cho hay, ký hợp đồng mua than của Vinacomin, khách hàng có thể yên tâm với chất lượng ổn định và nguồn than được đảm bảo trong thời gian dài theo hợp đồng. Còn nếu thấy rẻ mà mua than theo lô, không có hợp đồng dài hạn tin cậy, rất có thể có lúc mua được than giá rẻ, có lúc lại phải mua than giá đắt. Chưa kể những ảnh hưởng đáng kể của thời tiết, vận chuyển than đều phải tính toán rất chi tiết để đảm bảo nguồn nhiên liệu ổn định cho sản xuất điện.

Cũng theo ông Biên, giá than ở Việt Nam hiện phải chịu rất nhiều áp lực từ thuế, phí cao trong giá thành sản xuất.

“Chi phí sản xuất than tăng do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, xuống sâu hơn, hệ số bóc đất tăng, cung độ vận chuyển tăng, tỷ lệ than hầm lò tăng, áp lực mỏ lớn, khí, nước nhiều, khiến giá thành than tăng bình quân 4-5%/năm trong giai đoạn 2012 - 2014. Ngoài ra, các loại thuế phí tăng cao như thuế tài nguyên (năm 2007 bình quân 7.000 đồng/tấn, năm 2015 bình quân 186.000 đồng/tấn than tiêu thụ), bổ sung tiền cấp quyền khai thác 2% (thực chất là thu thuế tài nguyên lần 2), chi phí sử dụng tài liệu thăm dò cũng là áp lực với giá than".

Câu chuyện mua than nội hay dùng than ngoại cho sản xuất điện đã được một số nhà sản xuất điện đặt ra, khi thực tế giá than ngoại đang có xu hướng rẻ hơn than nội.

Cũng cho rằng, nhập khẩu than về lâu dài với số lượng lớn cho sản xuất điện đòi hỏi có những chuẩn bị kỹ lưỡng để không bị hụt hẫng, ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Vinacomin kể về câu chuyện của Nhật Bản. Để nhập khẩu khoảng 120 triệu tấn than/năm, Nhật Bản phải đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ, phảiđầu tư cho các mỏ than ở nước ngoài không ít.

“Để nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn than chất lượng tốt của Việt Nam, từ năm 1998 tới nay, phía Nhật Bản đã có rất nhiều hỗ trợ, thậm chí đào tạo cho ngành than 100 người/năm. Bởi vậy, yêu cầu nhập khẩu 50-70 triệu tấn than mỗi năm mà ngành điện đặt ra sẽ đòi hỏi phải có những cam kết cụ thể, nếu không muốn câu chuyện này trở thành viển vông”, ông Kiển nói.

Dẫu vậy, trong một khía cạnh khác, vào tháng 12/2015, một phái đoàn các nhà sản xuất và xuất khẩu than Indonesia đã tới Việt Nam để tìm cơ hội bán hàng. Phía Indonesia đã giới thiệu với các nhà máy nhiệt điện về chất lượng và khả năng cung cấp than dài hạn của họ.

Các nhà bán than Indonesia cũng cho hay, theo nghiên cứu của họ về quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2020 chỉ đạt 60 - 65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn. Do đó, để giải quyết nguồn than cho ngành điện, Việt Nam không còn con đường nào khác là phải nhập khẩu.

Tin bài liên quan