Đó là thời điểm năm 2011, khi thị trường chứng khoán đang dần phục hồi từ những tàn tích khủng khiếp trong thời kỳ đại suy thoái. Nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường lại trở nên bấp bênh, khiến vị giáo sư trở nên lo lắng, liệu rằng thị trường có sụp đổ một lần nữa?
Sở dĩ Cass R. Sunstein lo sợ vì trên vai ông còn là cuộc sống của gia đình nhỏ với 3 đứa con thơ. Sunstein băn khoăn liệu có nên bán tất cả tài sản và bỏ chúng vào một chứng chỉ tiền gửi an toàn, đáng tin cậy hơn không?
Rõ ràng, các nhà kinh tế học đều hiểu rõ nếu bạn đầu tư vào cổ phiếu, bạn nên lựa chọn những tổ chức được quản ký chặt chẽ, các quỹ chỉ số đa dạng cao. Sunstein cũng không ngoại lệ khi tính toán từng bước kỹ lưỡng như thế. Song, chứng kiến giá trị quỹ giảm mạnh, Sunstein đã đưa ra quyết định bán một số tài sản quan trọng. Trước khi hành động, Sunstein đã gửi email đến người bạn Richard Thaler, nhà kinh tế học hành vi, đồng thời là đồng tác giả với ông trong cuốn “Nudge” để xin lời khuyên. Kết quả câu trả lời của Thaler là “hãy đọc lại sách của chúng ta”.
Sunstein hiểu những gì mà anh ta nói nhưng đối với ông, nó vẫn khá mơ hồ vì cuốn sách đó vốn đã xuất bản từ lâu. Không chần chừ, Sunstein quyết định tiến hành bán số tài sản đó như đã định. Sau khi tin tức lan truyền đến tai Thaler, anh ta đã kêu lên với Sunstein, “Tại sao anh lại bán đi? “Nudge” giải thích rằng anh không nên bán”.
Kết cục, đến nay quỹ đầu tư mà Sunstein bán đi tăng xấp xỉ 66%. Và Thaler đã đúng.
Trong quá trình nghiên cứu hành vi con người trong đầu tư, Sunstein tìm ra 3 nguyên nhân chính. Trong đó, cái đầu tiên được gọi là “sự thiên vị cái có sẵn”. Những nhà khoa học hành vi đã chỉ ra rằng, nếu điều gì đó xảy ra trong quá khứ gần đây, đó là nhận thức “có sẵn” và người ta thường có khuynh hướng khuếch trương khả năng điều đã xảy ra sẽ tái hiện một lần nữa trong tương lai.
Thiên vị cái có sẵn không hẳn là sai lầm nhưng nó có thể gây ra sai sót. Mặc dù thị trường chứng khoán đã từng sụp đổ năm 2008, nhưng dấu hiệu sụp đổ không xảy ra thường xuyên. Theo vị giáo sư, lẽ ra ông không nên quá chú tâm đến nguy cơ của sự đổ vỡ tiếp theo.
Sai lầm thứ hai Sunstein phạm phải có liên quan đến “cảm giác mất mát”. Nghĩa là con người thường ghét những thất bại xảy đến với mình, thậm chí cảm giác ghét còn nhiều hơn so với cảm giác thích thú trước lợi nhuận tương đương. Thứ cảm giác đột nhiên đánh mất 10.000 USD sẽ khiến bạn khủng hoảng hơn cảm giác sung sướng khi thu về 10.000 USD.
Trớ trêu thay, nếu chúng ta đưa ra quyết định dựa trên cảm giác mất mát, sẽ chỉ khiến ta trở thành những kẻ thất bại. Khi thị trường cổ phiếu có dấu hiệu giảm, bạn muốn ngăn chặn việc thất thoát thì kết quả là bạn sẽ mất nhiều hơn nữa.
Hành vi thứ ba là “bỏ bê xác suất”. Con người thường chú trọng đến những kịch bản của trường hợp xấu nhất, đặc biệt khi cảm xúc của họ đang ở cao trào, mà bỏ quên việc tính toán xác suất trường hợp xấu nhất đó thực sự có thể xảy ra.
Đối với hành vi của nhà đầu tư, kinh nghiệm cho thấy, họ thường bán những cổ phiếu giá trị cao quá nhanh trong khi giữ lại quá lâu những cổ phiếu mất giá.
Thêm vào đó, những nhà đầu tư cá nhân hay quá tự tin vào năng lực bản thân. Ở đây, nam giới được xem là có sự tự tin thái quá hơn so với nữ. Họ cho rằng, họ có thể tạo ra điều kỳ diệu để kiếm được rất nhiều tiền. Quên điều đó đi, đây là thị trường chứng khoán mà chúng ta đang đề cập tới chứ không phải là một bộ phim của Steven Spielberg.
Lời khuyên tốt nhất cho nhà đầu tư vốn được nhắc đi nhắc lại quá nhiều, đó là hãy có một danh mục đầu tư đa dạng bao gồm cả các quỹ chỉ số chi phí thấp, giữ tiền mặt khi bạn cần và dành nhiều thời gian cho các trang thể thao.
Nếu cảm xúc của bạn bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và bạn cho rằng đã đến lúc hành động theo một chiều hướng khác, cách tốt nhất là hãy giữ giọng nói của Thaler trong đầu, rằng: “ Đừng”.