Ở các thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan…, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức (chủ yếu là các công ty quản lý quỹ đầu tư) chiếm đa số. Có thị trường lực lượng này chiếm 80% giá trị giao dịch, trong khi tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức ở Việt Nam còn quá thấp.
Thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 2/2019, TTCK Việt Nam có 2,2 triệu tài khoản, nhưng nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 2,1 triệu tài khoản, tương đương hơn 99%. Tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức chỉ chưa đầy 1% cho thấy, các cơ quan chủ quản cần có chính sách thúc đẩy và chuyển dịch tỷ trọng này tiến tới tiệm cận tỷ lệ ở các TTCK phát triển.
Ông Cao Hoài Thanh, Tổng giám đốc Quỹ Lotus Capital.
Ông Cao Hoài Thanh, Tổng giám đốc Quỹ Lotus Capital chia sẻ, TTCK Việt Nam còn non trẻ so với các TTCK đã hoạt động hàng chục, hàng trăm năm trên thế giới. Thêm nữa, đại bộ phận nhà đầu tư cá nhân vẫn có tâm lý thiếu tin tưởng việc ủy thác cho các công ty quản lý quỹ, thay vào đó họ thích tự giao dịch và tận hưởng cảm giác “lướt sóng” đầu cơ.
Ông Thanh cũng cho rằng, có thể do chính sách thuế ở Việt Nam chưa theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, ở các TTCK Singapore, Luxembourg, Hồng Kông, Malaysia…, ngành quản lý quỹ được ưu đãi về thuế, miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn và nhà đầu tư tham gia ủy thác vào quỹ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ quỹ, nhưng ở Việt Nam thì lại khác.
Theo quy định hiện hành, ngoài phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 20% tính trên lợi nhuận, công ty quản lý quỹ còn phải khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu chứng khoán. Đây là một rào cản khiến việc đầu tư thông qua công ty quản lý quỹ trở nên kém hấp dẫn, cũng như không quá hỗ trợ để phát triển ngành quản lý quỹ ở TTCK Việt Nam.
Theo thống kê, TTCK Việt Nam hiện nay có 45 công ty quản lý quỹ được cấp giấy phép hoạt động, con số này khá khiêm tốn so với sự tăng trưởng về quy mô và giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam trong 5 năm gần đây.
Trong khi đó, ở các thị trường lân cận, chẳng hạn Hồng Kông có 2.183 quỹ mở trong tổng số 2.751 quỹ trên thị trường; Malaysia có 629 quỹ, Singapore có hơn 1.300 quỹ… Cùng với sự lớn lên về quy mô của TTCK Việt Nam theo xu thế phát triển chung, dư địa để phát triển ngành quỹ tại Việt Nam còn rất lớn. Việc đẩy mạnh phát triển ngành quỹ không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy TTCK chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, mà còn có ích cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Nhiều công ty quản lý quỹ đã và đang gặt hái được những thành tựu lớn trên TTCK như CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), CTCP Quản lý quỹ MB (MB Capital), CTCP Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital), Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt…Một số công ty khác đã tái cấu trúc thành công từ nhân sự, chiến lược, hình ảnh, cho tới danh mục ủy thác đầu tư, trong đó có CTCP Quản lý Quỹ Bông Sen (Lotus Capital).
Lotus Capital được thành lập từ năm 2009, là công ty quản lý quỹ đầu tiên thành lập quỹ mở quản lý vốn cho các nhà đầu tư Nhật Bản với Quỹ Mekong Capital. Lotus Capital hiện đang quản lý Quỹ Lotus Mekong River Equity Fund và đang hoàn thiện hồ sơ thành lập 2 quỹ mới, trong đó có 1 quỹ chuyên biệt về đầu tư trái phiếu là Lotus Bond Fund.
Trong thời gian qua, làn sóng tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ tuy khá “im lặng”, nhưng quyết liệt. Nỗ lực tái cấu trúc nhằm nắm bắt xu hướng đầu tư và tận dụng tối đa dòng vốn ngoại đang chảy vào Việt Nam, cho dù ngành quản lý quỹ chưa thực sự được hỗ trợ nhiều về chính sách để phát triển.