Tại sao mô hình "kiềng 3 chân" lại được khuyến nghị tại VBF sáng nay?

VBF kiến nghị mô hình “kiềng 3 chân” để thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.     

Ông Colin Blackwell, thành viên VBF đã đưa ra mô hình hợp tác 3 bên mà ông gọi là thế kiềng 3 chân trong mối quan hệ giữa Chính phủ, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước để thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp.

Trong mô hình này, Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đều có vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với 15 hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị những công việc cụ thể hơn.

Tại sao mô hình "kiềng 3 chân" lại được khuyến nghị tại VBF sáng nay? ảnh 1

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 diễn ra sáng 5/12 tại Hà Nội ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp 

“Những doanh nghiệp FDI hàng đầu đã theo sát một công thức thành công mà họ đã áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Khi công thức thành công này được chia sẻ, đó sẽ là một điều có lợi cho cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI sẽ hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh hiệu quả, thuận lợi hơn với hội nhập của chuỗi cung ứng địa phương. Doanh nghiệp trong nước có thể cải thiện hiệu suất và cạnh tranh hiệu quả hơn trong thị trường quốc tế’, ông Colin Blackwell lý giải cơ sở của các đề xuất.

Trong mô hình này, VBF đang nhận vai trò điều phối các doanh nghiệp FDI tập hợp, chia sẻ các ý kiến tư vấn thực tiễn, tiêu chuẩn quốc tế và trình bày một cách thiết thực để DNVVN có thể hiểu rõ nhất.

Tại sao mô hình "kiềng 3 chân" lại được khuyến nghị tại VBF sáng nay? ảnh 2

 Mô hình kiềng 3 chân

“Khi doanh nghiệp FDI nhìn thấy cơ hội hợp tác với một doanh nghiệp trong nước đang thiếu thông tin thì chúng tôi có thể đề nghị Chính phủ tổ chức các chương trình. Thông lệ tốt, các kinh nghiệm của các doanh nghiệp FDI là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần để cải thiện năng lực”, ông Colin nói.

Ngoài ra, VBF đề nghị Chính phủ cần xem xét thực hiện một chương trình quốc gia (như ưu đãi thuế, sử dụng ngân sách để bảo lãnh cho DNVVN tiếp cận vốn vay ngân hàng) nhằm hỗ trợ các DNVVN có hiệu quả hoạt động trong những lĩnh vực mang tính chiến lược đối với Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin.

Việc giảm thiểu các quy định, thủ tục gây tốn kém thời gian hay tạo kẽ hở cho tham nhũng cũng được đặt ra.

“Chúng tôi đề xuất tăng cường yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng hóa đơn điện tử, giảm thiểu giao dịch trực tiếp, giảm quyền hạn của cơ quan nhà nước trong xét chọn thầu, nâng cao mức độ minh bạch, khách quan để có lợi cho tất cả các bên”, ông Colin đại diện các nhóm công tác của VBF đề xuất.

Đặc biệt, VBF muốn đứng ra điều phối các doanh nghiệp FDI tập hợp, chia sẻ các ý kiến tư vấn thực tiễn, tiêu chuẩn quốc tế và trình bày một cách thiết thực để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể hiểu rõ nhất.

Quan điểm của VBF là nếu đa số các doanh nghiệp trong nước có thể nâng tầm mình lên mức các chuẩn mực quốc tế thì cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi.

“Khối doanh nghiệp tư nhân FDI sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trên vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ thực sự cân nhắc thành ý muốn tham gia hỗ trợ cũng như các kiến nghị của chúng tôi về những việc Chính phủ có thể làm để nâng cao vai trò điều phối của mình”, ông Colin kiến nghị.

Tin bài liên quan