Tại sao lợi nhuận của Sacombank lại giảm mạnh?

Tại sao lợi nhuận của Sacombank lại giảm mạnh?

(ĐTCK-online) Báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ của Sacombank (STB) khiến cho nhiều NĐT bất ngờ khi lợi nhuận sau thuế soát xét giảm 35,48% so với công bố trước đó. Chênh lệch chủ yếu là từ thua lỗ của hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng.

Khoản thua lỗ này từ đâu ra?

Trong báo cáo soát xét của Sacombank, mặc dù có sự giải thích về khoản thua lỗ này nhưng rất chung chung. Khoản lỗ 325,969 tỷ đồng gắn liền với lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng, nên khó có thể hiểu được đây là thua lỗ từ kinh doanh vàng, ngoại tệ hay là cả hai. Tuy nhiên, theo đánh giá của người viết, khoản thua lỗ này chủ yếu từ hoạt động kinh doanh vàng. Để có thể biết cụ thể hơn là bao nhiêu phần trăm trong số tiền thua lỗ này từ kinh doanh vàng, bao nhiêu phần trăm từ kinh doanh ngoại hối thì cần phải có sự giải thích hợp lý từ phía Sacombank.

Quay lại thời điểm năm 2009 khi giá vàng trong nước bắt đầu tăng mạnh, vào đầu năm mới ở mức 17,5 triệu đồng/lượng thì đến gần cuối năm đã tăng lên mức 23 triệu đồng/lượng. Nhu cầu tiền đồng năm 2009 tăng mạnh do chính sách hỗ trợ lãi suất vay VND 4%/năm của Chính phủ. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiền đồng càng lớn hơn để đáp ứng thanh khoản của ngân hàng. Hơn nữa, giá vàng đã tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm khiến cho nhiều ngân hàng kinh doanh vàng như ACB, STB, EIB… có nhu cầu “bán vàng trong nước” lấy tiền đồng để cho vay với lãi suất cao hơn.

Để có thể hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, các ngân hàng đã thực hiện hedging bằng cách: bán vàng trong nước để lấy tiền đồng, đồng thời mua lại vàng tài khoản trên tài khoản kinh doanh vàng nước ngoài. Tuy nhiên, diễn biến giá vàng trong nước và thế giới lại nằm ngoài dự đoán của các ngân hàng: giá vàng trong nước liên tục tăng tiếp từ 23 triệu lên 29,2 triệu đồng/lượng rồi giảm về mức 26 triệu đồng/lượng (tức là tăng gần 15%), còn giá vàng thế giới đã đạt đỉnh ngay sau đó và giảm về quanh mức 1.000 USD/ounce (giảm gần 15%). Điều này khiến cho hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng bị lỗ 2 đầu: trong nước (đã bán giá thấp, sẽ phải mua lại với giá cao hơn) và thế giới (đã mua giá cao nhưng cuối năm giá lại giảm). Điều này cũng giải thích tại sao mà NHNN liên tục phải gia hạn thời gian đóng tài khoản kinh doanh vàng quốc tế của các NHTM đến cuối tháng 6/2010. Khi đó, giá vàng thế giới tăng vượt mức đỉnh cũ năm 2009 mà các NHTM mua vào, việc bán vàng ở tài khoản kinh doanh vàng quốc tế mới có lãi, nhưng mức lãi này không đủ để bù so với mức lỗ từ việc đã bán khống vàng trong nước trước đó. Theo tính toán, đến thời điểm 30/6/2010, mức lãi từ kinh doanh vàng trên tài khoản quốc tế của các ngân hàng là khoảng 2 - 5%, trong khi lỗ từ việc kinh doanh vàng trong nước là từ 15 - 20%.

 

Tại sao đến thời điểm này mới hạch toán?

Với biến động giá vàng như vậy, lẽ ra, trong báo cáo tài chính kiểm toán 2009 của Sacombank cũng đã phải công bố về khoản thua lỗ này. Tuy nhiên, Ngân hàng lại không có bất kỳ thông báo cũng như giải trình nào đối với các cổ đông. Và đặc biệt là báo cáo giữa niên độ 2010 cũng không hề có, chỉ đến khi thực hiện báo cáo soát xét, khoản thua lỗ này mới “lòi ra”. Như vậy, trách nhiệm của những người công bố thông tin, từ HĐQT và ban giám đốc của một ngân hàng lớn đã niêm yết được 4 năm như STB ở đâu?

Đến thời điểm này, các công ty kiểm toán mới đồng ý đưa ra khoản thua lỗ này có thể xuất phát từ việc các ngân hàng đã phải đóng tài khoản vào ngày 30/6/2010 theo yêu cầu của NHNN. Do vậy, các khoản thua lỗ này sẽ phải được hạch toán vào báo cáo tài chính quý II/2010. Trong giải trình, Sacombank có khoản mục “Lỗ từ hoạt động đánh giá lại ngoại tệ và vàng” là 529,7 tỷ đồng. Như vậy có thể suy luận rằng, STB hiện vẫn đang giữ trạng thái đối với khoản thua lỗ vàng trong nước. Nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm thì STB sẽ còn phải tiếp tục trích lập dự phòng nữa. Và thực tế là, từ thời điểm 30/6 đến nay, giá vàng đã tăng thêm 5%, từ 28 triệu đồng/lượng lên 29,4 triệu đồng/lượng.

Các ngân hàng có hoạt động kinh doanh vàng mạnh trong năm 2009 đều sẽ có thể gặp phải những rủi ro tương tự như STB. Hiện nay, trên sàn còn có một số ngân hàng nữa cũng từng kinh doanh vàng. Do vậy, các NĐT cần phải xem xét kỹ báo cáo tài chính của các ngân hàng này. Hơn nữa, UBCK và NHNN cũng cần yêu cầu các đơn vị này cung cấp những thông tin đầy đủ nhất tới các NĐT và đưa ra các biện pháp trích lập dự phòng đầy đủ để tăng thêm tính minh bạch cho TTCK Việt Nam.