Tại sao lại Việt Nam?

Tại sao lại Việt Nam?

(ĐTCK) “Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội khi TTCK cũng như nền kinh tế đang ở đáy và không phải mức cao nhất như những thị trường mới nổi hoặc đã phát triển tại các nước châu Á khác”, Thomas Hugger, Tổng giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital đã nói như vậy khi mở đầu cho phần thuyết trình với chủ đề “Tại sao lại Việt Nam” tại Diễn đàn đầu tư 2014, ngày 19/6/2014.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng cũng chia sẻ một cái nhìn lạc quan về triển vọng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi nền kinh tế đã ổn định và thoát đáy. Đặc biệt, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn nước ngoài.

Tại sao Việt Nam?

Phiên thảo luận chiều 19/6 tại VIF 2014 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của trên 300 khách dự sự kiện. Bên cạnh sự có mặt của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia là nhiều doanh nhân nổi tiếng như ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh; ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Thủy sản Minh Phú cùng các tổng giám đốc CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng... tham dự sự kiện này.

Môi trường đầu tư đang cải thiện, với vốn đầu tư nước ngoài  chảy mạnh vào sản xuất, đặc biệt là các ngành chính như điện tử, dệt may, năng lượng... là những yếu tố được nhiều chuyên gia cho rằng, có sức hấp dẫn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ đang có những biện pháp hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, như hạ lãi suất cho vay, giảm thuế cho các cá nhân và DN, đưa thêm các gói kích thích kinh tế cũng như thực hiện mạnh mẽ hoạt động tái cấu trúc DNNN, là những giải pháp quan trọng, kích hoạt các dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh, mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế. Với những yếu tố này, Tổng giám đốc VinaCapital, ông Don Lam tự tin nhận định, Việt Nam là đích ngắm của dòng vốn đầu tư quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay.

Cũng theo ông Don Lam, căng thẳng trên biển Đông có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam, nhưng ông tin rằng, Chính phủ đã và đang xử lý khá tốt các vấn đề xảy ra với thái độ đúng mực và cởi mở. Tổng quan kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và việc nhà đầu tư cá nhân bán cổ phiếu ồ ạt là một cơ hội tốt để mua cổ phiếu với mức giá hấp dẫn hơn.

“Những lĩnh vực hoạt động tốt nhất tại Việt Nam là các lĩnh vực theo chu kỳ như cơ sở hạ tầng, bất động sản, xây dựng, môi giới chứng khoán, dầu khí, giao thông vận tải và may mặc”, ông Don Lam nói.

Đánh giá cơ hội từ quá trình cổ phần hóa DNNN, ông Don Lam cho rằng, đây là một phần rất quan trọng đối với thị trường vốn đang phát triển tại Việt Nam. Với gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các thị trường vốn Việt Nam, Tổng giám đốc VinaCapital đánh giá, Chính phủ đang bước vào một giai đoạn quan trọng của quá trình cổ phần hóa khi quyết định bán cổ phần tại những DN lớn nhất và hấp dẫn nhất trong năm nay cũng như năm tới. Thực tế, còn thiếu động lực để thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của DNNN, do những thủ tục hành chính còn phức tạp và phương pháp định giá không hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường, nhưng quá trình này đang có những chuyển biến đáng ghi nhận. Theo ông Don Lam, Vina Capital nhận được nhiều yêu cầu đầu tư, chủ yếu vì tài sản tại Việt Nam đang được định giá hấp dẫn so với các thị trường mới nổi khác. Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản…

Nâng hạng TTCK từ frontier Market lên Emering Market

Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trước các nhà đầu tư quốc tế, Chủ tịch UBCK cho rằng, nền kinh tế đang ổn định và tiếp tục thoát đáy. Lý giải cho nhận định này, Chủ tịch UBCK cho biết, tăng trưởng quý I đạt 4,96%, cao nhất 3 năm qua, với cán cân thương mại thặng dư 1,6 tỷ USD, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm dần và thị trường ngoại hối ổn định. Dấu hiệu thoát đáy rất rõ ràng khi chỉ số ngành sản xuất PMI 9 tháng liên tiếp trên 50 điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) tiếp tục xu thế tăng với tốc độ tăng doanh số bán ra cao hơn tốc độ hàng tồn kho... Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2014 cao hơn so với 2 năm trước là minh chứng rõ nét cho bối cảnh chung nền kinh tế đang ổn định và phục hồi.

Về TTCK, Chủ tịch UBCK chia sẻ những con số khả quan trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014. Năm 2013, chỉ số VN-Index tăng 22%, với mức vốn hóa so với GDP đạt 27%. Tổng huy động vốn qua TTCK năm này chiếm tới 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng giá trị dòng vốn nước ngoài tăng 56%. Con số này tiếp tục ổn định trong 5 tháng đầu năm nay khi VN-Index tăng 9,21% và HNX-Index tăng 9,82%; mức vốn hóa tăng 15% so cuối năm 2013, tương đương 30% GDP. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK Việt Nam tăng 77%; trong đó giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tăng gấp 2 lần so với năm 2013. Một con số khả quan khác được Chủ tịch UBCK công bố tại Diễn đàn là tổng vốn huy động qua TTCK đạt 118.000 tỷ đồng; trong đó huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa tăng 126% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này là minh chứng cho thấy vị thế và vai trò của TTCK ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế Việt Nam.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014, Chủ tịch UBCK cho rằng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng hơn so với năm 2013. Dự báo này dựa trên các yếu tố chính, đặc biệt là hoạt động của các DN có xu hướng khả quan hơn và hiệu quả đầu tư công dần được cải thiện. Cùng với đó, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và gắn với niêm yết; thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DNNN cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

Những chuyển động chính sách mới nhất tại Việt Nam được ông Vũ Bằng chia sẻ với các nhà đầu tư đó là hoạt động sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, rà soát, phân loại danh mục để mở rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xuống không quá 65%, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của tổ chức, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần. Về phía UBCK, cơ quan này đang thực hiện giải pháp nâng hạng MSCI của TTCK Việt Nam từ frontier market lên emerging market để tăng khả năng thu hút các dòng vốn quốc tế.

Ngoài cải thiện về môi trường đầu tư, về thứ hạng thị trường, việc xây dựng các sản phẩm đầu tư mới như ETF (dự kiến cuối năm nay sẽ có 2 quỹ ETF ra đời, xây dựng theo chỉ số HNX-30 và VN-30), hay mở cửa hoạt động của TTCK phái sinh là những động thái thu hút sự chú ý lớn của nhà đầu tư quốc tế.

Với phần điều phối của ông AndyHo, Giám đốc đầu tư VinaCapital, nhiều câu hỏi đã được lãnh đạo các DN, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đặt ra và thảo luận sôi nổi. Một trong những điểm ấn tượng trong cuộc thảo luận này là câu chuyện về giới hạn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. TS. Marc Faber cho rằng, Việt Nam không nên hạn chế room trên TTCK và không nên hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Tổng giám đốc AFC Andreas cũng cho rằng, việc hạn chế đầu tư tại Việt Nam khiến họ chưa nhiệt tình huy động vốn vào thị trường này. TS. Marc Faber chia sẻ thêm một nhận định, rằng Nhà nước nên kích thích nhiều hơn sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và ông - nếu là người làm chính sách tại Việt Nam, sẽ tạo ra các chính sách kích thích vốn đầu tư nước ngoài vào DN, để phát triển nền kinh tế đồng thời với việc giảm các thủ tục hành chính. “Việt Nam cần kích thích cả 2 dòng vốn này”, TS. Marc Faber nói.

ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về phiên thảo luận này trong các số báo sau.       

“Cần tạo sự tin tưởng cho đối tác nước ngoài”

Tại sao lại Việt Nam? ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept (GMD)

GMD là DN có hoạt động truyền thống về cảng và logicstics. Trong hơn 20 năm qua, GMD hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài về vận tải và giao hàng, các hoạt động cảng biển đều được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Từ đầu năm đến nay, Ban quan hệ quốc tế của GMD tiếp rất nhiều đoàn khách nước ngoài, tổ chức tín dụng, ngân hàng đến tìm cơ hội đầu tư. Hoạt động logistics của GMD được quan tâm nhiều nhất; kế đến là cơ sở vật chất cho logicstics, trong đó có hoạt động cảng.

Để tạo được sự tin tưởng đó, GMD luôn phải thực hiện đúng cam kết, đồng thời chú trọng tổ chức, quản lý hệ thống sao cho phục vụ khách hàng tốt nhất và hiện thực hóa những cam kết mở rộng, tăng trưởng tài sản. Có 3 yếu tố giúp một DN thu hút NĐT nước ngoài là tài sản, nhân lực và công nghệ thông tin. Ngoài ra, NĐT nước ngoài cũng rất quan tâm đến đối tác, khách hàng mà GMD hướng đến là ai.

Tôi cho rằng, việc cải thiện năng lực cạnh tranh trong ngành phải được thực hiện liên tục, chú trọng mở rộng đối tác cả trong ngoài nước song song với việc nâng cao năng lực quản trị thì mới có thể trụ vững được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Tin bài liên quan