Các nhà đầu tư dài hạn vừa có cơ hội để nhảy vào một trong những cơ hội mua tốt nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong nhiều năm. Họ đã chờ đợi chứng khoán điều chỉnh trong một thời gian dài. Chỉ số S&P 500 chưa một lần được săn mua giá rẻ kể từ hai lần điều chỉnh nhẹ vào năm 2012. Lần điều chỉnh 2 con số (từ 10% trở lên) gần đây nhất là vào năm 2011.
“Tôi thích các thị trường giảm điểm”, Julie Werner, một nhà đầu tư nghiệp dư 61 tuổi ở Warner Robins, Georgia, nói. Không may, đợt giảm điểm lớn nhất hôm 15/10 lại đúng vào lúc bà đang lượn ra ngoài, đi mua sắm và thăm thú bạn bè.
“Chưa bao giờ tôi cảm thấy tiếc nuối như lúc này. Tôi đã không ở nhà để đặt mua”, bà Werner than thở và cho biết, bà đã đặt mua hai ngày sau đó, nhưng khi đó, thị trường đã hồi phục mất rồi.
Các thị trường giảm điểm có thể gây áp lực lên các nhà giao dịch và đe dọa tiền thưởng của các giám đốc điều hành cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ngay cả những nhà quản lý danh mục có cái đầu lạnh cũng có thể gặp rủi ro nghề nghiệp hay bị mang tiếng là mua khi thị trường đổ vỡ.
Nhưng các nhà đầu tư bình thường, đặc biệt là những người có nguồn tiền tiết kiệm lúc về hưu, có điều kiện thuận lợi hơn so với giới chuyên nghiệp. Đây không phải là lĩnh vực đòi hỏi kiến thức, chỉ cần sự nhẫn nại. Bằng cách mua ở những thời điểm tốt của một thị trường xấu, họ có thể kiếm lợi khi thị trường dần tăng điểm trở lại. Và bằng cách mua thêm khi cổ phiếu giảm giá – như Werner đã làm trong năm 2008 và 2009 – họ đang làm theo lời khuyên của Warren Buffett, kiểu như: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi”.
Chiến lược đó không phát huy hiệu quả nếu các nhà đầu tư khác đó chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi. Điều này có thể do “lỗi” của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi cơ quan này liên tục chống đỡ cho các thị trường. Khi cổ phiếu bắt đầu giảm giá trong tháng này, các nhà không mấy do dự. “Họ đã không tỏ ra quá thận trọng”, David Santschi của TrimTabs Investment Research, nói.
Các nhà đầu tư cá nhân có thể tự an ủi mình rằng, một ngày nào đó, chắc chắn cổ phiếu sẽ có một cú đổ nhào. Có lẽ dữ liệu kinh tế mới hay các tin tức về lợi nhuận sẽ khiến thị trường hoảng loạn trở lại. Dĩ nhiên khi đó chúng có thể ở mức giá cao hơn nhiều so với hiện nay.
Điều an ủi khác duy nhất là kinh tế. Một đợt điều chỉnh của chứng khoán không luôn luôn báo trước suy thoái - cú giảm năm 1987 là một ví dụ - nhưng một thị trường chứng khoán tăng mạnh là một dấu hiệu cho thấy giai đoạn phục hồi kinh tế 5 năm qua của Mỹ có lẽ vẫn chưa chệch đường. Bởi thế, mặc dù không có cơ hội tuyệt vời để săn mua giá rẻ, nhưng người Mỹ có thể vẫn giữ được việc làm của mình. Và thậm chí họ còn được tăng lương.