Mới đây, TAND TP. Phủ Lý (Hà Nam) xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và ông Nguyễn Quốc D. (SN 1974, ở Hà Nam).
Theo hồ sơ, từ năm 2015-2017, ngân hàng đã giải ngân cho ông Nguyễn Quốc D. vay vốn số tiền 1,5 tỷ đồng được thể hiện bằng 4 khế ước nhận nợ. Mục đích để bổ sung vốn kinh doanh gỗ và tiêu dùng.
Các khoản nợ trên được đảm bảo bằng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Thanh Liêm, Hà Nội. Đây là tài sản của các bên thứ ba được đưa vào thế chấp.
Do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa án, đề nghị ông D. trả nợ là 1,4 tỷ đồng, gồm nợ gốc 1 tỷ đồng và lãi.
Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, ACB đề nghị được cơ quan có thẩm quyền xử lý 3 nhà đất trên để thu hồi nợ.
Trong số các tài sản trên có thửa đất số 44, diện tích 114 m2 mang tên hộ gia đình ông Nguyễn Văn M là tài sản đồng sở hữu. Tài sản trên đất gồm nhà 2 tầng và các công trình kiến trúc. Chủ tài sản cho biết, vợ chồng ông cùng 2 người con đồng ý thế chấp nhà đất để đảm bảo khoản vay của ông Nguyễn Quốc D. Tuy nhiên, có 2 người con khác không ký vào hợp đồng thế chấp. Hai người này có đơn đề nghị hủy hợp đồng thế chấp nhà đất trên.
Hồ sơ cũng thể hiện, nhà đất này được công chứng tại Văn phòng công chứng số 1 tỉnh Hà Nam. Văn phòng công chứng trình bày, tại thời điểm công chứng, các bên tham gia ký kết văn bản hoàn toàn tự nguyên, có năng lực hành vi dân sự phù hợp.
Theo kết quả định giá, thửa đất trên có giá trị 660 triệu đồng.
Suốt quá trình tố tụng, bị đơn đều vắng mặt và hiện không có mặt tại nơi cư trú. Do đó, tòa án xét xử vắng mặt bị đơn.
Khi xem xét tòa án thấy rằng, thửa đất trên được cấp cho hộ gia đình ông M. từ năm 2006 và thuộc quyền sở hữu chung của 6 người. Cả 6 người này có giá trị sở hữu chung là bằng nhau. Do 2 người không đồng ý ký vào hợp đồng thế chấp nên HĐXX xác định hợp đồng thế chấp bị vô hiệu từng phần theo Điều 130 Bộ luật Dân sự. Mặc khác, các đương sự không yêu cầu giải quyết phần lỗi nên HĐXX không xem xét hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Như vậy, trường hợp cơ quan thi hành án phát mại tài sản trên thì phải hoàn trả lại 1/6 giá trị tài sản của thửa đất tại thời điểm phát mại để trả lại cho 2 người này.
Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.