Tài sản của BMI có “bốc hơi” hơn 10 triệu USD?

Tài sản của BMI có “bốc hơi” hơn 10 triệu USD?

(ĐTCK-online) Việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bảo Minh phải chuyển hơn 10 triệu USD từ thương vụ Bảo Minh – CMG về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương sẽ khiến giá trị sổ sách của cổ phiếu này sụt giảm.

Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI - sàn HOSE) vừa công bố thông tin về việc xử lý kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, BMI sẽ phải chuyển số tiền thu được từ việc chuyển nhượng vốn tại Liên doanh Bảo Minh - CMG là 10,236 triệu USD về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương. Thông tin này khiến không ít NĐT bất ngờ, bởi hơn 10 triệu USD từ khi bán Liên doanh (năm 2007) đến nay vẫn được hạch toán vào tài sản của BMI. Việc chuyển số tiền trên ra khỏi BMI sẽ khiến giá trị sổ sách của cổ phiếu này sụt giảm.

 

Từ một thương vụ đình đám

Bảo Minh - CMG được thành lập từ năm 1999, là liên doanh bảo hiểm nhân thọ duy nhất tại Việt Nam giữa Bảo Minh và Tập đoàn CMG (Úc). Vốn điều lệ của liên doanh này là 25 triệu USD, nhưng vốn thực góp là 12,2 triệu USD, trong đó Bảo Minh góp 6,1 triệu USD, phần còn lại do CMG góp. Đến thời điểm chuyển nhượng năm 2007, Liên doanh luôn trong trong tình trạng lỗ kỹ thuật và xếp hàng cuối cùng trong số 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam xét theo doanh thu phí bảo hiểm hàng năm. Xét về tốc độ tăng trưởng của số lượng hợp đồng khai thác mới thì Liên doanh xếp hàng thứ 3 trên thị trường. Ở thời điểm đó, giá trị chuyển nhượng của hợp đồng kể trên vẫn nằm trong vòng bí mật. Và theo số liệu kiểm toán mới được tiết lộ gần đây qua công bố thông tin của BMI thì nó có giá trị trên 10 triệu USD.

Thương vụ trên có thể nói là khá đình đám, khi đối tác mua lại Liên doanh là Daiichi - công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai tại Nhật Bản - nơi có thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai thế giới. Daiichi cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 6 trên thế giới tính theo doanh thu phí bảo hiểm gộp hàng năm. Đây cũng là vụ mua bán, sáp nhập đầu tiên trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

 

Tài sản của ai?

Trước khi Liên doanh Bảo Minh - CMG được chuyển nhượng, năm 2004, Doanh nghiệp nhà nước Bảo Minh thực hiện CPH. Theo đó, Bảo Minh là đơn vị đầu tiên trong ngành bảo hiểm thực hiện thí điểm CPH theo cách giữ nguyên vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Ngoài số vốn điều lệ 303,8 tỷ đồng, Bảo Minh huy động thêm 130 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 70% tổng vốn. Bảo Minh phát hành cổ phiếu huy động vốn bằng hình thức bán đấu giá, bán cho cổ đông chiến lược, bán cho cán bộ - công nhân viên.

Một số ý kiến cho rằng, ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành CPH Bảo Minh, Liên doanh Bảo Minh - CMG đã được tính toán vào giá trị doanh nghiệp. Chính vì thế, sau khi thực hiện chuyển nhượng Liên doanh, BMI đã thực hiện nộp thuế thu nhập trên khoản thu này. Khoản tiền chuyển nhượng Liên doanh là tài sản của Công ty, các bên sẽ có quyền lợi dựa trên số cổ phần đang sở hữu. Vì vậy, việc quyết định chuyển toàn bộ số tiền trên về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương đang gây băn khoăn cho các cổ đông.

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc BMI cho biết, ngay sau khi thương vụ chuyển nhượng Liên doanh được thực hiện, Công ty đã chuyển số tiền chuyển nhượng về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Số tiền này được hạch toán vào tài sản Công ty và "treo" thành khoản phải thu. Đến nay, Chính phủ yêu cầu chuyển số tiền đó về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương thì BMI phải thực hiện.

Hiện tại, BMI chưa thể điều chỉnh hạch toán theo hướng dẫn trên, vì vẫn còn một số vướng mắc như xử lý số tiền thuế chuyển nhượng mà BMI đã nộp trên 23,362 tỷ đồng và khoản tiền lãi liên quan tới số tiền này do BMI ứng trước ra nộp từ năm 2008 đến nay. Như vậy, khoản tiền hơn 10 triệu USD được treo từ năm 2007 đến nay sẽ được xử lý dứt điểm theo hướng giảm giá trị tài sản của BMI. Phần BMI nhận lại có thể là trên 23 tỷ đồng tiền thuế thu nhập đã nộp và lãi phát sinh của khoản tiền này từ năm 2007. Được biết, cuối tháng 8 này, Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn BMI thực hiện.

BMI hiện nay còn một liên doanh với nước ngoài là Công ty Bảo hiểm Liên hiệp (UIC), với tổng số vốn góp của BMI là 2,42 triệu USD. Liên doanh này được thành lập năm 1997, với tỷ lệ vốn góp của các bên như sau: Bảo Minh 48,45%, Mitsui 23,275%, Sampo trên 23% và LG 5%. Câu hỏi đặt ra là, đến nay, mức độ đại chúng của BMI đã rất cao qua nhiều lần tăng vốn, thì liệu giá trị tài sản liên doanh này chỉ tính riêng cho cổ đông nhà nước hay tính chung cho toàn bộ cổ đông đang sở hữu cổ phần của doanh nghiệp này? Cổ đông đang chờ đợi câu trả lời từ Bộ Tài chính.