Ai đã “vẽ đường cho hươu chạy”?
Từ năm 2015 trở về trước, căn cứ theo Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và Nghị định 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 về bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, đối với cát có 3 loại: cát khai thác để san lấp (đơn giá tính thuế 20.000 đồng/m3), cát xây dựng (đơn giá tính thuế 40.000 đồng/m3), cát nhiễm mặn (đơn giá tính thuế 20.000 đồng/m3).
Đến ngày 1/10/2015, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế tài nguyên, trong đó quy định bảng giá tính thuế tài nguyên của tỉnh phải phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên của Bộ Tài chính
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính không ban hành khung giá tính thuế. Thực hiện Thông tư số 152/2015/TT-BTC, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 64A/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 về bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh, trong đó, đối với cát, vẫn tiếp tục quy định có 3 loại, gồm cát khai thác để san lấp (giá tính thuế 30.000 đồng/m3), cát xây dựng (giá tính thuế 60.000 đồng/m3), cát nhiễm mặn (giá tính thuế 30.000 đồng/m3).
Mãi đến ngày 12/5/2017, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên. Theo đó, cát làm vật liệu xây dựng được phân thành 3 nhóm, trong đó, nhóm 1: cát san lấp (bao gồm cả cát nhiễm mặn) có giá tối thiểu 56.000 đồng/m3, giá tối đa 80.000 đồng/m3; nhóm 2: cát xây dựng có giá tối thiểu 70.000 đồng/m3, giá tối đa 100.000 đồng/m3 với cát đen và tối thiểu 245.000 đồng/m3, tối đa 350.000 đồng/m3 với cát vàng; nhóm 3: cát vàng sản xuất công nghiệp (khoáng sản khai thác) có giá tối thiểu 105.000 đồng/m3, giá tối đa 150.000 đồng/m3.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm tính toán xác định để thu và truy thu các loại thuế, phí có liên quan; đồng thời xử lý vi phạm hành chính (nếu có) đối với các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản…
- Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Thông tư số 44/2017/TT-BTC cũng quy định, Bảng giá tính thuế do UBND cấp tỉnh ban hành không được thấp hơn giá tối thiểu trong Khung giá của thông tư này. Còn đối với loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế của Thông tư, thì căn cứ giá giao dịch phổ biến hoặc giá bán tài nguyên đó trên thị trường mà UBND tỉnh ban hành văn bản quy định bổ sung Bảng giá tính thuế.
Thực hiện Thông tư 44/201/TT-BTC, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì xây dựng Dự thảo quy định Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh dựa trên giá tối thiểu của Khung giá theo Thông tư, nhưng khi lấy ý kiến, thì các cơ quan liên quan đề nghị xem xét lại mức giá tính thuế đối với cát vàng dùng trong xây dựng vì quá cao so với giá mua bán trên thị trường tại thời điểm đó và cao hơn nhiều lần so với giá đang áp dụng theo Quyết định 64A/2016/QĐ UBND của UBND tỉnh.
Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi 2 lần có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính về bất cập của mức giá tối thiểu của cát vàng dùng trong xây dựng theo Khung giá với thực tiễn thị trường, nhưng bộ này không có phúc đáp, nên Sở Tài chính đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 27/2/2018 quy định Bảng giá tỉnh thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, quy định đối với cát làm vật liệu xây dựng bao gồm 4 nhóm mà không có loại tài nguyên cát vàng dùng trong xây dựng theo Khung giá của Thông tư số 44/2017/TT-BTC, với lý do “sau khi Bộ Tài chính có ý kiến thì Sở Tài chính sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành bổ sung”.
Đến năm 2019, Sở Tài chính đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 6/6/2019 bổ sung loại tài nguyên cát vàng dùng trong xây dựng vào Bảng giá tính thuế với đơn giá 245.000 đồng/m3 (bằng với mức giá tối thiểu của Khung giá theo Thông tư 44/2017/TT BTC), dù lúc này, Bộ Tài chính vẫn chưa có phúc đáp hướng dẫn về khoáng sản “cát vàng dùng trong xây dựng” theo đề nghị của tỉnh trước đó.
Từ khi Quyết định 07/2018/QĐ-UBND có hiệu lực (ngày 10/3/2018) đến khi Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh có hiệu lực (ngày 16/6/2019), các doanh nghiệp khai thác cát dùng làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp phép trong giai đoạn này (hoặc theo giấy phép đã cấp trước đó vẫn còn hiệu lực) đều ghi loại khoáng sản là “cho phép Công ty thuê đất trả tiền hàng năm và khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên” là không chặt chẽ, không nêu rõ loại cát nào được quy định cụ thể trong Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi để làm cơ sở, căn cứ xác định thuế tài nguyên, nên doanh nghiệp khai thác lúng túng, kê khai thiếu nhất quán về đơn giá cát để tính thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Khi chưa có Quyết định 07/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Cục Thuế tỉnh căn cứ loại cát xây dựng theo Bảng giá ban hành kèm Quyết định số 64A/2016/QĐ-UBND đơn giá tính thuế 60.000 đồng/m3 để xác định và hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai, không phát sinh vướng mắc.
Sau khi có Quyết định 07/2018/QĐ-UBND, do không rõ loại khoáng sản theo các giấy phép khai thác đã cấp đang có hiệu lực trong giai đoạn này, nên Cục Thuế tỉnh đã tham vấn và được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tại Công văn số 5166/STNMT-KS ngày 10/7/2019 với nội dung: “Khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường” theo các giấy phép đã cấp là loại “cát vàng trong sản xuất công nghiệp (khoáng sản khai thác)” trong Bảng giá tính thuế tài nguyên ban hành kèm theo Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND với giá tính thuế là 130.000 đồng/m3.
Tuy nhiên, sau đó, tình trạng rối như “gà mắc tóc” diễn ra đối với các cơ quan tài chính, thuế của tỉnh này, vì thực tế, loại cát này trên địa bàn tỉnh khai thác để sử dụng làm vật liệu xây dựng. Và trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay không xuất hiện loại tài nguyên mới nào trong nhóm cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đến ngày 23/12/2019, Sở Tài chính có Công văn số 3112/STC-QLGCS trình đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 7024/UBND KT ngày 30/12/2019 thống nhất áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên đối với cát vàng dùng trong xây dựng theo giá tối thiểu được quy định tại Khung giá ban hành kèm theo Thông tư 44/2017/TT-BTC là 245.000 đồng/m3 để tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ ngày 10/3/2018 đến ngày 16/6/2019.
Trên cơ sở kiến nghị của Sở Tài chính, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn 7024/UBND-KT, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định điều chỉnh nội dung trong các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó thành “khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường (là cát vàng dùng trong xây dựng - mã II 50202) bằng phương pháp lộ thiên” cho phù hợp với đơn giá tính thuế trong Bảng giá ban hành kèm theo Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 6/6/2019 của UBND tỉnh.
Đến ngày 31/3/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Thông báo số 121/TB UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công văn số 7024/UBND-KT ngày 30/12/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho Cục Thuế tỉnh về mã loại tài nguyên trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp để Cục Thuế tỉnh có cơ sở thu và truy thu thuế theo đúng quy định.
Kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm
Sau khi thanh tra hoạt động khai thác tài nguyên, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ rõ: “Sở Tài chính có chậm trễ và chưa thật sự chặt chẽ trong tham mưu, còn để sót loại tài nguyên khi trình UBND tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh tại Quyết định 07/2018/QĐ UBND sau khi Thông tư 44/2017/TT-BTC có hiệu lực; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp giấy phép khai thác không đúng loại khoáng sản ghi trong Quyết định 07/2018/QĐ-UBND, hướng dẫn Cục Thuế xác định loại khoáng sản để làm căn cứ thu thuế không phù hợp quy định (từ ngày 10/3/2018 đến ngày 16/6/2019)”.
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Tài chính, Phó giám đốc Sở Tài chính phụ trách lĩnh vực quản lý giá và công sản, Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, công chức tham mưu có liên quan chịu trách nhiệm sai sót về nội dung xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên.
Trên cơ sở hồ sơ kết quả thanh tra trực tiếp tại các doanh nghiệp có kê khai khối lượng khai thác khoáng sản cát vàng dùng trong xây dựng (gồm Biên bản thanh tra và Biên bản kiểm tra hiện trường, bản giải trình của các doanh nghiệp), Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh tính toán xác định để thu và truy thu các loại thuế, phí có liên quan, đồng thời xử lý vi phạm hành chính (nếu có) đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo quy định pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Giám đốc Sở Tài chính chỉ đạo xây dựng báo cáo kiểm điểm các hạn chế, khuyết điểm; tổ chức họp để kiểm điểm đối với các sai sót trong công tác chỉ đạo, điều hành và quyết định các công việc cụ thể có sai sót, vi phạm thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài chính và các phó giám đốc Sở Tài chính (qua các thời kỳ) về các nội dung hạn chế, vi phạm đã chỉ ra.
“Trường hợp qua kiểm điểm trách nhiệm mà có đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân lãnh đạo sở hoặc nguyên lãnh đạo sở, thì phải gửi hồ sơ kiểm điểm (gồm báo cáo kiểm điểm của tập thể lãnh đạo sở, bản kiểm điểm cá nhân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở có liên quan, biên bản cuộc họp) về Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý theo thẩm quyền. Sở Tài chính chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm công chức có liên quan những vi phạm đã nêu để xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý cá nhân có vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, Thanh tra tỉnh kiến nghị.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ kiểm điểm của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và xem xét tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật nếu qua kiểm điểm trách nhiệm các sở này có đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo.