Chiều tối ngày 28/5, Bộ GTVT tổ chức họp kiểm điểm và xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến những vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp trong những ngày vừa qua.
Lỗi rất lớn do nhân viên ngành đường sắt
Báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, 4 vụ tai nạn liên tiếp trong 3 ngày vừa qua (25, 26, 27/5), ngành đường sắt đã nhìn nhận ra cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, các nguyên nhân khách quan gồm: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập; giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều,
Đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm, hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy dọc liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời; phương tiện giao thông đường sắt đã “quá già” (1960-1970) vẫn đang khai thác trên đường sắt trong khi đó nguồn vốn đầu tư cho phương tiện đóng mới đầu máy, toa xe còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến.
Tuy nhiên, ông Vũ Anh Minh thừa nhận, nguyên nhân chủ quan của các vụ tai nạn này là do vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn đường sắt.
“Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu bảo đảm ATGT đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường”, ông Minh nhìn nhận.
“Tôi và lãnh đạo VNR xin nhận trách nhiệm với người dân và chịu mọi hình thức kỷ luật với Bộ trưởng Bộ GTVT”, ông Minh nói.
Không đồng tình với những lý giải của ngành đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn cho rằng: “4 vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua là lỗi nguyên nhân chủ quan rất lớn từ chủ thể là cán bộ, công nhân viên đường sắt.
Sự cố này ảnh hưởng uy tín ngành giao thông. Đây là lỗi chủ quan của ngành đường sắt dù có quy chuẩn, quy định quy trình vận hành nhưng chỉ cần vận hành lơ là 2 đoàn tàu đụng nhau trong ga dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và về kinh tế”.
Bộ trưởng xin lỗi và nhận trách nhiệm
Chưa dừng lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam trả lời câu hỏi với vai trò là quản lý Nhà nước đã làm gì? Thanh tra Cục Đường sắt làm gì để đảm bảo an toàn đường sắt ở các ga? Tai nạn giao thông xảy ra ở đâu thì trách nhiệm của Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đều liên quan.
“Bộ GTVT đã có Công văn chỉ đạo nhưng vẫn xảy ra tai nạn đường sắt thì nguyên nhân, trách nhiệm ở đâu? Bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm vì yếu kém của đường sắt thì các lãnh đạo Bộ, các đơn vị cục, vụ và VNR phải chịu trách nhiệm nhưng phải tìm gốc rễ những vụ việc này sai ở chỗ nào để khắc phục và sửa chữa,” Bộ trưởng đưa ra cảnh báo.
Cùng với sự nhìn nhận trên, người đứng đầu Bộ GTVT đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm vì để xảy ra các vụ TNGT những ngày qua.
“Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý ngành giao thông, tôi xin lỗi các nạn nhân và gia đình nạn nhân trong các vụ tai nạn đường sắt đã xảy ra. Tôi xin nhận trách nhiệm về sự việc và xin nhận mọi hình thức kỷ luật từ Đảng và Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải nghiêm túc kiểm điểm nội bộ từ Chủ tịch Hội đồng thành viên đến cán bộ, công nhân viên ngành đặc biệt liên quan các vụ tai nạn đường sắt vừa qua đồng thời rà soát kiểm tra kỹ các nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu VNR tạm đình chỉ công tác cá nhân liên quan.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ và Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu ngành đường sắt phải rà soát lại quy trình, không để tình trạng như hiện nay, khi xảy ra sự cố mới huy động rất đông nhân lực đến hiện trường nhưng không có người chỉ huy, điều hành thống nhất khiến công việc không diễn ra trơn tru, không đạt hiệu quả như mong muốn.