Với vai trò là đơn vị tài trợ dự án, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết, mong muốn tiếp tục được đồng hành để dự án sớm đi vào hoạt động, giảm thiểu thiệt hại về mặt kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Công nghiệp và Xây dựng Bảo Long (gọi tắt là Công ty Bảo Long Gia Lai) thực hiện Dự án Thủy điện Ia Krel 2 tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Để đảm bảo nguồn vốn cho việc triển khai dự án, Công ty Bảo Long Gia Lai và PVcomBank đã ký kết hợp đồng cấp hạn mức tín dụng với tổng hạn mức là hơn 139 tỷ đồng.
Dự án được kỳ vọng không chỉ đem lại ánh sáng cho người dân mà còn giúp nâng cao chất lượng, đổi thay đời sống, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…
Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã xảy ra sự cố vỡ đập hai lần. Điều này đã làm cho dự án chậm tiến độ, không triển khai được như kế hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư không còn đủ để tiếp tục thực hiện dự án.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập, theo Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (PECC1) – đơn vị được “chỉ định tư vấn kiểm định đánh giá, xác định nguyên nhân sự cố công trình Thủy điện Ia Krel 2”, là do chủ đầu tư không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình.
Sau khi xảy ra 2 lần sự cố, dự án đã tạm dừng thi công đến nay, gây lãng phí toàn bộ nguồn lực đã đầu tư và làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nguồn vốn đã cho vay của PVcomBank.
Trước thực tế Công ty Bảo Long Gia Lai không còn đủ năng lực và tài chính để tiếp tục thi công dự án, ngày 30/5/2018, PVcomBank đã quyết định thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án Thủy điện Ia Krel 2 theo Nghị quyết 42 của Quốc hội dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng tại địa phương.
Theo một lãnh đạo của PVcomBank, trong quá trình thu giữ tài sản, Ngân hàng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan ban ngành tại địa phương. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý hanh thông giúp cho hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng được triển khai tích cực.
Với mục tiêu đẩy nhanh việc tái khởi động dự án và đưa dự án vào vận hành nhằm giảm thiểu thiệt hại về mặt kinh tế, đem lại lợi ích cho địa phương, đồng thời giúp Ngân hàng thu hồi nợ, PVcomBank đã có văn bản đề nghị sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Gia Lai cùng các sở ban ngành liên quan xin chấp nhận triển khai dự án.
Theo đó, PVcomBank đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng trên cơ sở lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu về năng lực kỹ thuật và tài chính.
PVcomBank đã tổ chức Hội nghị “Tái khởi động Dự án Thủy điện Ia Krel 2” để báo cáo trước UBND tỉnh cùng các sở ban ngành, đơn vị có liên quan, nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực thủy điện về phương án tái khởi động dự án bao gồm yếu tố kỹ thuật, phương thức triển khai, tiến độ dự kiến và các vấn đề cần thiết khác.
PVcomBank đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng trên cơ sở lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu về năng lực kỹ thuật và tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc thu giữ Dự án Thủy điện Ia Krel 2 của PVcomBank hoàn toàn đúng quy định, là tín hiệu tích cực thể hiện tinh thần nghiêm túc của các tổ chức tín dụng trong việc nâng cao hiệu quả thực tế của Nghị quyết 42. Với tiềm lực tài chính và cơ sở pháp lý, PVcomBank có đủ khả năng để tiếp tục theo đuổi dự án với mục tiêu sớm đưa vào vận hành dự án, giúp giảm thiệt hại về mặt kinh tế.
Căn cứ theo kết quả khảo sát hiện trạng, đánh giá, thẩm định công trình, đại diện đơn vị tư vấn PECC1 cũng cho rằng, việc tái khởi động dự án là rất khả thi bởi các hạng mục của dự án hoàn toàn có thể khôi phục được. Những sự cố xảy ra trước đó là do chủ đầu tư thực hiện sai về kỹ thuật, không liên quan đến các vấn đề thiết kế.
Phía người dân xã Ia Dom, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các sở, ban ngành địa phương, lãnh đạo xã đã trưng cầu ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao, 96% người dân trong xã đồng ý cho tái khởi động lại dự án giúp người dân sớm có điện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ các phân tích, đánh giá của cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, một số nhà đầu tư tham gia hội nghị đã có những trao đổi cụ thể liên quan đến vấn đề kỹ thuật, đồng thời, cho biết sẵn sàng đầu tư vào dự án khi PVcomBank và các sở ban ngành hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý.
Như vậy, việc tái khởi động lại dự án không chỉ giúp giảm bớt thiệt hại về tài sản mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc ổn định đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với vai trò là đơn vị tài trợ dự án, phía Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng dự án trong việc tìm kiếm đơn vị có năng lực trong lĩnh vực thủy điện để tiếp tục triển khai, sớm đưa dự án vào vận hành và khai thác.
Đại diện PVcomBank cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan ban ngành đối với công tác xử lý sau thu giữ theo Nghị quyết 42 bởi trong quá trình thực hiện thu giữ tài sản, tái khởi động dự án để có cơ sở thu hồi vốn, các tổ chức tín dụng vẫn còn gặp nhiều rào cản về quy định cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để ngân hàng có thể chủ động xây dựng hướng triển khai dự án nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên có liên quan.