Các phiên giảm sâu sẽ đối diện với áp lực call margin, force sell, call chéo… là diễn biến quen thuộc với thị trường chứng khoán, nhưng với lần này, nhà đầu tư vẫn rơi vào hoảng loạn, bối rối vì không thể tiên lượng được “kết quả” từ cuộc đàm phán với Mỹ đến khi nào thì có kết quả, theo đó bán để tăng tiền mặt, bảo toàn tài sản được ưu tiên. Đâu đó trên thị trường, nhà đầu tư đang rơi vào cảm giác “sợ hãi” như thị trường hồi mới xuất hiện dịch bệnh Covid quý I/2020.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay (8/4) được bao trùm bởi nỗi sợ của nhà đầu tư cho việc tài sản sẽ tiếp tục bốc hơi bất kể cổ phiếu tốt, xấu, định giá cao hay thấp. Nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ “ngắt cầu dao” thị trường, hãm đà rơi của thị trường.
Nhanh chóng phản ánh vào thị trường là hàng loạt cổ phiếu giảm sàn la liệt, thanh khoản ở mức cao, liên tục khớp hơn 17.600 tỷ đồng phiên sáng. Độ rộng thị trường vẫn đang hoàn toàn nghiêng về phía bán với hơn 770 mã giảm so với gần 80 mã tăng. Ở thời điểm kết phiên sáng, gần 270 mã đang giảm sàn. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng kịch liệt hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung FPT, STB, VHM, VIC, MBB….
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kết quả đàm phán của Việt Nam với Mỹ vào 9/4, theo đó dẫn đến chậm hành động bán và tăng hành động mua khi thấy thị giá nhiều cổ phiếu đã giảm khá mạnh 2 - 3 phiên, kéo theo đó là tâm lý “bắt đáy” những phiên cuối tuần qua.
Chia sẻ với khách hàng, một môi giới cho rằng, nếu nhìn về giá của các mã mạnh nhất thị trường phiên 4/4 như LPB, VIC sẽ thấy nhà đầu tư mua sàn 3/4 đang chỉ hòa đến lỗ, với mã mạnh thứ 2 là SHB thì hôm nay chất lệnh sàn bán lại có cầu mua lên, cứ mua hết lại chất bán sàn ra, với khối lượng cao 3 phiên liên tục rất khó là nhà đầu tư nhỏ bán.
“Trong sáng nay, hàng bắt đáy 3/4 chưa về, người kẹp hàng ai sợ thì đã bị ép bán 2 phiên trước, ai không bán 2 phiên trước thì sẽ ôm tiếp, vì giá sáng nay so với giá sàn 3/4 chỉ giảm xuống 4% nhưng khối lượng hơn 1 tiếng đầu đã lên tới 30 triệu đơn vị”, môi giới này chia sẻ với khách hàng ngay những giờ mở đầu sáng nay.
Các mã bị áp lực call và force sell chủ đạo là bất động sản khu công nghiệp, thuỷ sản, dệt may, nhưng với diễn biến thị trường sáng nay, thì hiện tượng call chéo đã xảy ra.
Giám đốc kinh doanh phòng giao dịch một công ty chứng khoán top đầu
Nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng áp lực bán giảm, thị trường phân hóa hơn khi tiếp tục điều chỉnh về vùng giá 1.200 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như vùng giá thấp nhất trong năm 2024. Thực tế, VN-Index đã giảm về vùng 1.160 điểm, tương ứng vùng giá thấp nhất tháng 4/2024 mới phục hồi trở lại và vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng dài hạn tính từ 4/2020 đến nay. Xu hướng ngắn hạn VN-Index đang suy giảm dưới vùng kháng cự 1.250 điểm với áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ vẫn hiện hữu.
Chuyên gia CTCK SHS cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính thông thường. Đây là áp lực lớn, bất ngờ đối với nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư, dẫn đến thị trường có những phiên bị bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này vẫn có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tiếp theo.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNSI) cho biết, với việc thị trường giảm mạnh liên tiếp gần đây thì chắc chắn nhiều tài khoản sẽ đến ngưỡng call margin, trước khi giảm mạnh, margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử.
Áp lực call margin sẽ tạo áp lực thêm, khiến nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư chủ động bán ra để giảm margin hoặc bị bán giải chấp. Ngoài ra, hiện tượng sàn mất thanh khoản diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu cũng tạo ra hiện tượng bán giải chấp chéo ở những cổ phiếu có thanh khoản cao trong danh mục của các nhà đầu tư đang vị phạm tỷ lệ ký quỹ toàn danh mục.
![]() |
Hầu hết cổ phiếu VN30 giảm sàn |
Ghi nhận diễn biến sáng nay, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn, nhóm cổ phiếu VN30, nhóm bất động sản công nghiệp có nhiều lúc "trắng bên mua". Đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, thị trường hiện nay giống như thời Covid và vụ trái phiếu 2022: Cổ phiếu bị call margin, force sell, mất thanh khoản nhiều phiên.
Theo chia sẻ của giám đốc kinh doanh phòng giao dịch một công ty chứng khoán có thị phần môi giới top đầu, đang quản lý khoảng 2.600 tỷ đồng tài sản khách hàng, trong buổi sáng 8/4, áp lực call margin của nhóm khoảng 5 - 10%. Các tài khoản vay thì gần như chạm mức để yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, nhưng doanh nghiệp thường sẽ “cầm cự” được khoảng 1 tuần, còn hiện tại, áp lực đang ở khách hàng cá nhân nhiều hơn.
"Các mã bị áp lực call và force sell chủ đạo là bất động sản khu công nghiệp, thuỷ sản, dệt may, nhưng với diễn biến thị trường sáng nay, thì hiện tượng call chéo đã xảy ra. Thông thường, một phiên giao dịch có 3 - 4 lần hệ thống của CTCK force tự động, nhưng phiên sáng lực đỡ khá yếu, nên phải theo dõi tiếp phiên chiều mới rõ ràng hơn", vị cho biết.
Ngược lại, một nhân sự phụ trách nhóm môi giới tại công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc cho biết, sáng nay, chỉ có 1 khách hàng của chi nhánh bị force sell, toàn công ty thì ghi nhận “chỉ lác đác” chứ không phải diện rộng.
Nhiều môi giới trấn an khách hàng không vội bắt đáy, cũng không bán tháo hoảng loạn những phiên thị trường giảm sâu và đang chịu tác động “hòn tuyết lăn” do call margin. Nhiều cổ phiếu về dưới rất rất sâu giá trị thực, vận động đi vào vùng bán quá đà mà tiếc là nguồn lực có hạn nên phải giải ngân dè xẻn.
Cũng có nhiều môi giới khuyến nghị khách hàng dừng toàn bộ hành động mua, ưu tiên bán hạ tỷ trọng cổ phiếu, ít nhất 1/2, không dùng margin.
“Chúng tôi vẫn kiến nghị nhà đầu tư nên canh nhịp hồi trong phiên của thị trường (như chiều 4/4) để bán, vì đây mới là giai đoạn đầu của quá trình giảm, để giảm quá sâu sẽ rất khó xử lý và bỏ mặc tài khoản, nắm giữ luôn, rủi ro lớn nhất là khi thị trường tạo đáy đi lên, mã của mình không hồi thì vừa lỗ vừa không có tiền mua lại mã tiềm năng sẽ bị thiệt hại kép”, theo quan điểm của một môi giới.
![]() |
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp giảm sàn, trắng bên mua |
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ, phiên hôm nay động thái call margin chủ động, nhiều công ty chứng khoán thực hiện giảm tỷ lệ cho vay ở nhiều mã, trong đó số nhiều là ở các mã chịu tác động từ thuế quan như nhóm xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp…, các mã bị giảm tỷ lệ mạnh thì mất thanh khoản không bán được nên buộc bị call chéo các mã khác.
“Phiên sáng có vẻ đang có hấp thụ, các mã không bị tình trạng sàn đồng loạt, lượng mã đỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Phiên chiều phải theo dõi thêm. Kỳ vọng là khả năng có hấp thụ, tình hình thế giới đang tích cực nên hỗ trợ cho nhóm nhà đầu tư rủi ro cao vào bắt đáy, đấy cũng là lý do chính khiến thị trường chưa giảm sàn hàng loạt”, ông Minh chia sẻ.
Theo quan điểm ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng cá nhân Chứng khoán Maybank Investment bank, áp lực margin vào lúc này chắc chắn có tồn tại, nhưng sẽ ở mức không quá nghiêm trọng. Lý do là vì trước khi sự kiện thuế quan xảy ra, trạng thái thị trường đã có sự yếu đi và tâm lý nhà đầu tư cũng đã phần có sự thận trọng nhất định để giữ một tỷ trọng vừa phải hơn trong thời gian trước đó. Tuy nhiên, vẫn không thể đánh giá thấp áp lực margin vào lúc này khi lực cầu trên thị trường rất thận trọng và không loại trừ khả năng các công ty chứng khoán có thể sẽ thu hẹp tỷ lệ margin để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn.
Trong môi trường cực kỳ bất định về mặt thông tin như hiện nay, nhà đầu tư cần ưu tiên việc bảo vệ tiền hơn là kiếm tiền. Nói cách khác, với trạng thái kỹ thuật kém và thông tin bất định, tỷ trọng tiền mặt của nhà đầu tư cần ở mức cao và không nên phiêu lưu với các hành động giao dịch quá ngắn hạn cho đến khi có thêm những thông tin rõ ràng hơn