Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Tại Đông Nam Á, lĩnh vực công nghiệp đột phá trong hút vốn đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần đầu tiên trong thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đã vượt qua phân khúc văn phòng và bán lẻ tại Đông Nam Á, nhờ các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp toàn cầu.

Theo Cushman & Wakefield, trung tâm dữ liệu thu hút lượng đầu tư đáng kể, cao hơn bốn lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,2 tỷ USD và chiếm khoảng 40% tỷ trọng đầu tư công nghiệp năm 2024. Singapore, Malaysia và Indonesia tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực này, nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng, nhu cầu sử dụng đám mây bùng nổ và các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động mở rộng kỹ thuật số.

Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường công nghiệp tại Đông Nam Á. Khu vực này chiếm 8% thị phần xuất khẩu toàn cầu vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ chi phí cạnh tranh, lợi thế trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sức mạnh thương mại nội vùng được củng cố trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thái Lan là thị trường duy nhất trong số các thị trường Đông Nam Á được Cushman & Wakefield phân tích có lượng đầu tư công nghiệp không chiếm ưu thế. Tại quốc gia này, thị trường khách sạn thu hút được 0,4 tỷ USD vốn đầu tư, trong khi thị trường công nghiệp chỉ đạt 0,2 tỷ USD.

Việt Nam đã vượt qua các dự báo tăng trưởng ban đầu và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2025, củng cố vị thế là điểm đến hàng đầu cho các nhà sản xuất và nhà đầu tư toàn cầu. Với các tập đoàn lớn đang tăng cường đầu tư, Việt Nam tiếp tục thu hút mức FDI kỷ lục, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, chất bán dẫn, lưu trữ năng lượng và năng lượng tái tạo.

Điển hình, Amkor Technology đã tăng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh cho sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, trong khi LG Display đang đầu tư thêm 1 tỷ USD vào nhà máy tại thành phố cảng Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của công ty Hàn Quốc tại Việt Nam lên hơn 5,6 tỷ USD.

Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng đang được thúc đẩy tiến độ xây dựng và sớm đưa vào sử dụng, bao gồm: Sân bay Quốc tế Long Thành, Đường Vành Đai 3, 4 và mở rộng đường cao tốc tại các Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc. Những dự án cơ sở hạ tầng cùng với việc sáp nhập tỉnh trong tương lai hứa hẹn sẽ cải thiện liên kết nội vùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho quốc gia.

Bà Ngọc Lê, Giám đốc nghiên cứu thị trường, Cushman & Wakefield nhấn mạnh rằng, đề án sáp nhập các tỉnh và áp dụng hệ thống hành chính hai cấp của Việt Nam sẽ giúp hợp lý hóa quy trình quản trị, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường kết nối khu vực. Đề án sáp nhập tỉnh dự kiến sẽ thu hút thêm vốn đầu tư và mang lại lợi ích cho các nhà phát triển bất động sản, thông qua việc cung cấp các quy định và chính sách nhất quán. Hơn nữa, việc sáp nhập tỉnh cũng sẽ tạo động lực phát triển mới cho ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong môi trường nghiệp đầy cạnh tranh.

Nhìn chung khu vực Đông Nam Á, Cushman & Wakefield đánh giá vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng, với dự báo tăng trưởng GDP đạt 4,8% vào năm 2024, vượt qua mức tăng trưởng 3,9% của năm 2023. Các nền kinh tế chủ chốt như Việt Nam, Malaysia và Philippines đã vượt qua các dự báo ban đầu, thể hiện khả năng tăng trưởng dài hạn và bền vững của khu vực trước những khó khăn toàn cầu.

Wong Xian Yang, Giám đốc nghiên cứu thị trường, Singapore & Đông Nam Á cho biết, mặc dù tình hình thuế quan toàn cầu đang biến động, các yếu tố kinh tế cơ bản của Đông Nam Á vẫn vững vàng nhờ tiêu dùng nội địa ổn định và tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Khu vực không ngừng thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt trong các ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Công nghiệp và trung tâm dữ liệu tiếp tục là ưu tiên hàng đầu cho các nhà đầu tư tổ chức, với nguồn vốn lớn phân bổ cho logistics, khoa học đời sống và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số dựa trên AI.

Thị trường văn phòng tại Singapore và Indonesia cũng đang được nhiều sự quan tâm, khi các nhà đầu tư tận dụng sự mất cân bằng cung cầu đối với không gian làm việc chất lượng cao. Đầu tư xuyên biên giới dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi các sáng kiến như Khu Kinh tế Đặc biệt Johor-Singapore (JS-SEZ) và các hiệp định thương mại nội khối ASEAN mở rộng.

"Đông Nam Á, nhờ khả năng phục hồi và vị trí chiến lược của mình, đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các dòng vốn trên toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt trước những thay đổi kinh tế vĩ mô. Với các yếu tố kinh tế cơ bản vững chắc, lợi thế chi phí của khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng thương mại nội vùng sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư dài hạn và tăng trưởng bất động sản. Việc áp dụng các chiến lược linh hoạt để đối phó với những biến động toàn cầu sẽ là yếu tố quyết định thành công trong năm 2025 và những năm tiếp theo", Cushman & Wakefield nhấn mạnh thêm.

Tin bài liên quan