Tái định vị dòng vốn đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Khi Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ chính thức ký ban hành, câu chuyện “tái định vị dòng vốn đầu tư” lại được đặt ra rõ ràng hơn bao giờ hết.
Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Cách đây 4 năm, vào tháng 10/2018, khi Chính phủ tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, một “nội hàm mới” đã được nhắc đến. Theo đó, Việt Nam sẽ không chỉ là nơi nhận các nguồn vốn do giới đầu tư, kinh doanh mang đến, mà sẽ ở thế chủ động, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, lựa chọn, để dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, để nguồn lực đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, Nhà nước và nền kinh tế ở cả góc độ kinh tế, xã hội, môi trường.

Một năm sau, vào tháng 8 năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, nội hàm “hợp tác đầu tư nước ngoài” một lần nữa được khẳng định. Giờ đây, trong Chiến lược mới, tiếp tục là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không chỉ đơn thuần là thu hút, là sử dụng vốn đầu tư nước ngoài như thế nào.

Hợp tác là đôi bên cùng có lợi, là sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Đó không phải là thu hút đầu tư bằng mọi giá, không phải chỉ trở thành “mảnh đất màu mỡ” để nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cách hưởng lợi, mà là sự chủ động, sẵn sàng lựa chọn dòng vốn có chất lượng, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, hay thậm chí là của từng địa phương. Đó còn là làm sao để dòng vốn ngoại có thể giúp “nâng cấp” nền kinh tế, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn và cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Bởi thế, một trong những mục tiêu quan trọng được đề cập trong Chiến lược là tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; là lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; là tái định vị dòng vốn đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nhiều rủi ro và tiềm ẩn xảy ra tranh chấp; là ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao…

Cũng bởi thế, dù coi trọng nguồn lực bên ngoài, song là “bình đẳng hợp tác”, nên Chính phủ đã hoạch định rất rõ rằng, phải gắn liền thu hút đầu tư nước ngoài với xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ trên tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Ít ngày trước, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng, mà tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Vì đề cao một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nên sẽ làm sao để không lệ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài. Làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cũng gắn với phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, để nội - ngoại có thể trở thành đối tác, liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Tất nhiên, vì là “hợp tác”, nên câu chuyện hài hòa lợi ích sẽ được coi trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài nếu mang dự án lớn, dự án công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến của thời đại công nghiệp 4.0 tới Việt Nam, lại kết nối được với khu vực trong nước… thì sẽ được dành những cơ chế ưu đãi lớn nhất, được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam, vì để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, đón đầu xu hướng tái định vị sản xuất của các tập đoàn lớn trên toàn cầu, nên đã ban hành chính sách riêng về ưu đãi đầu tư đặc biệt…

Trong Chiến lược mới, có tới 9 nhóm giải pháp quan trọng được vạch ra. Nếu làm được, thì cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài là rất lớn. Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất hấp dẫn. Song quan trọng hơn là thông qua chiến lược này, Việt Nam có thể thực sự “tái định vị” vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin bài liên quan