Vicem phải tái cơ cấu toàn diện các công ty xi măng Sông Thao, Hạ Long từ vấn đề kỹ thuật, điều hành sản xuất, thị trường, đến giải quyết các vấn đề tài chính.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết, việc thực hiện cổ phần hóa của Vicem về cơ bản là ổn. Còn, sự chậm trễ có nguyên nhân lớn từ việc Vicem phải gánh trọng trách tái cơ cấu 2 doanh nghiệp trong ngành là Nhà máy Xi măng Sông Thao và Nhà máy Xi măng Hạ Long. Hai đơn vị này lỗ quá lớn và hoạt động không hiệu quả, nên phải ghép vào Vicem để xử lý, dẫn đến tiến trình cổ phần hóa bị chậm lại.
Trong văn bản của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Xây dựng cũng khẳng định, tiến độ cổ phần hóa Vicem sẽ chậm hơn so với kế hoạch do công tác cổ phần hóa hai đơn vị này gắn liền với tiến trình tái cơ cấu Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao.
“Vicem tính toán, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ thì sẽ phải ghép lại với Hoàng Thạch, còn Sông Thao ghép vào Hải Phòng thì mới tạo được lực, thương hiệu cũng như hệ thống phân phối, nhằm nâng cao hiệu quả”, ông Khải nói.
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao (Ninh Dân, Thanh Ba, Phú Thọ) do Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao làm chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị là cổ đông chi phối, chiếm 74,37% vốn điều lệ), có công suất 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm.
Sản phẩm của Nhà máy Xi măng Sông Thao được giao cho một thành viên Vicem là Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng lo đầu ra.
Đến thời điểm này, Xi măng Sông Thao đã tạm cân bằng được trong ngắn hạn, nhưng khoản lỗ 500 tỷ đồng và việc mất vốn phải xử lý trong dài hạn là một vấn đề không đơn giản. Trong khi đó, Xi măng Hạ Long có gánh nặng tái cơ cấu lớn hơn do công suất nhà máy lớn, hiệu quả kinh doanh thấp.
“Vicem tính toán, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ thì sẽ phải ghép lại với Hoàng Thạch, còn Sông Thao ghép vào Hải Phòng thì mới tạo được lực, thương hiệu cũng như hệ thống phân phối, nhằm nâng cao hiệu quả”, ông Khải nói.
Nhà máy Xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 6.468 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2010. Sau 2 năm hoạt động, số lỗ lũy kế của nhà máy này lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 82/TTg-ĐMDN phê duyệt phương án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long, trong đó chỉ đạo chuyển giao Xi măng Hạ Long cho Viettel.
Tuy nhiên, ngày 13/4/2015, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với Tổng công ty Sông Đà và Vicem. Qua đó, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không thực hiện phương án chuyển giao Xi măng Hạ Long sang Viettel, để Viettel tập trung thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đồng thời, xây dựng lại phương án chuyển giao Xi măng Hạ Long sang Vicem trên cơ sở các nội dung của phương án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long đã được phê duyệt.
Thực tế, Xi măng Hạ Long đã mất hết vốn, hoạt động không hiệu quả. Tổng tài sản khoảng 8.000 tỷ đồng, nhưng đều là đi vay và gánh nặng nợ quá lớn. Rõ ràng, tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém trong ngành với số lỗ hàng ngàn tỷ đồng đang là nhiệm vụ hết sức nặng nề và không dễ để xử lý ổn thỏa trong thời gian ngắn của Vicem.