Ảnh: Vietnamnet
Tồn tại trên được PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn nêu ra trong bài dẫn đề Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân vừa khai mạc sáng nay (21/4) tại Nghệ An.
Theo ông Thiên, đánh giá một cách công bằng, tín hiệu tích cực của phục hồi kinh tế không hề nhỏ, thể hiện rõ tái cơ cấu đã khởi động đúng hướng với các yếu tố căn bản, quyết định thúc đẩy tái cơ cấu đạt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng.
Điều này thể hiện ở hai khía cạnh: thứ nhất, quá trình tái cơ cấu đã khởi phát và đi đúng theo định hướng và nguyên tắc thị trường, theo đó “tấn công” vào hệ thống giá cũ, trao quyền tự do và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như cơ chế điều hành giá xăng dầu theo đúng nguyên tắc thị trường,
Thứ hai, bản thân Chính phủ điều chỉnh và thậm chí thay đổi chức năng theo thị trường đề phục vụ thị trường. Đơn cử, đầu tư công đã thay đổi nguyên tắc từ xin - cho hàng năm, sang duyệt cấp trung hạn, tập trung và cam kết trách nhiệm thực thi; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường, định giá theo giá trị trường, chịu trách nhiệm cá nhân; trong hoạt đông ngân hàng, dồn nợ xấu về “kho” và cấu trúc lại hệ thông ngân hàng.
Đặc biệt, với Luật Doanh nghiệp năm 2014, chức năng nhà nước - doanh nghiệp được phân định; quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được tôn trọng; các rào cản gia nhập thị trường, can thiệp hành chính của chính quyền địa phương vào hoạt động của doanh nghiệp được thu hẹp…
Tuy nhiên, theo ông Thiên, với bước đà khởi động manh mẽ như vậy, song dường như tiến trình tái cơ cấu vẫn chưa đạt được tiến độ kỳ vọng ở nhiều lĩnh vực.
“Tôi cũng rất quan tâm đến nguyên lý hoạt động mới của cơ quan công quyền là chịu trách nhiệm cá nhân theo chức năng. Điều này cần được nhìn rất rất rõ trong cơ chế điều hành quản lý nhà nước, cũng đang được cải cách mạnh, bắt đầu từ giảm giờ “hành” thuế, “hành” thủ tục hải quan… và phải được hiện thực hóa thành hành động thực tiễn một cách nhanh chóng”, ông Thiên nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, thời gian qua, việc triển khai nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế theo định hướng còn quá chậm so với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là việc ban hành nghị định, văn bản cơ chế và các biện pháp thực hiện còn quá chậm chạp.
“Việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi gây phấn chấn và tạo sự hứng khởi rất lớn cho dân chúng và cộng đồng DN, song đáng tiếc là quá trình triển khai còn quá chậm. Hiện còn tới 73 nghị định còn chưa ban hành, trong khi Luật đã chuẩn bị có hiệu lực (từ 1/7/2015). Điều đó cho thấy từ chính sách chuyển sang hành động cụ thể còn rất chậm và chưa có hiệu quả”, ông Kiêm thẳng thắn nhận xét.
Đánh giá một cách gay gắt gắt hơn, TS. Lê Việt Đức cảnh báo: “Bao trùm lên tất cả và là nguy cơ chính gây mất ổn định kinh tế trong thời gian tới là tốc độ cải cách kinh tế, cải cách thể chế, cải cách hành chính đều quá chậm”.
Theo ông Đức, nguyên nhân chủ yếu là chúng ta đang chạy theo mục tiêu tăng trưởng, chưa coi trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phù hợp với trình độ phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền sản xuất, mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách bộ máy nhà nước và công tác cán bộ theo hướng tận tâm phục vụ dân...
TS. Cao Sĩ Kiêm cũng nêu lên một thực trạng nhức nhối là hiện tương chi phí lót tay, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và giảm lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền. “Chi phí của ta còn quá cao, đặc biệt là chi phí lót tay, theo thống kê sơ bộ, hiện có tới 73% số DN, khoảng 43% người dân cho biết cần phải chi lót tay khi phải thực hiện các loại thủ tục. Điều này làm tăng chi phí bất hợp lý của doanh nghiệp và gây mất lòng tin vào hệ thống cơ quan công quyền, là việc làm phi kinh tế và cản trở kinh tế phát triển”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Tương tự, TS. Lê Đăng Doanh cũng đánh giá, tham nhũng là một tệ nạn nghiêm trọng và gây tác hại tiêu cực đến nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội, làm méo mó phần bổ nguồn lực… Nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ khó cải thiện một cách căn bản.
Cũng có những lo ngại về nạn tham nhũng, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần coi tham nhũng là vấn đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự, từ đó tăng cường rà soát lại luật lệ và văn bản bản pháp luật để chỉ đạo thực hiện.
Về việc xây dựng và thực thi văn bản pháp luật, ông Vũ Mão cho rằng, hiện nay, việc xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền, ban hành văn bản pháp luật đạt chất lượng thấp, vẫn còn tồn tại trình trạng “luật khung và luật ống”. Vì vậy, không nên ban hành luật sớm, mà chờ có đầy đủ văn bản hướng dẫn rồi mới ban hành luật, để khi luật có hiệu lực là thực thi được ngay.
“Nếu luật có nghị định, thông tư đi kèm thì cần phải đưa luôn vào dự thảo luật để để đại biểu quốc hội xem xét”, ông Vũ Mão đề nghị.