Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), đơn vị có chức năng tổ chức đấu thầu, giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP), thị trường TPCP sơ cấp có thanh khoản rất thấp. Điều này do thị trường có trên 500 mã trái phiếu với quy mô nhỏ ở nhiều kỳ hạn khác nhau, trung bình 324 tỷ đồng/mã. Giá trị của các mã trái phiếu chênh lệch rất lớn, từ vài tỷ đồng đến vài ngàn tỷ đồng. Theo Đề án tái cơ cấu thị trường TPCP, các mã có cùng kỳ hạn, quy mô nhỏ lẻ sẽ được gộp lại thành một mã chuẩn với quy mô lớn hơn. Cách hợp nhất mã trái phiếu này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
"Các mã trái phiếu với kỳ hạn, quy mô, lãi suất khác nhau tạo ra sự manh mún trên thị trường. Nếu thực hiện hợp nhất sẽ thúc đẩy giao dịch, tăng uy tín cho thị trường, thu hút các NĐT", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt
Theo ông Quỳnh, việc tái cơ cấu thị trường TPCP hướng đến chuẩn trong việc phát hành. Nhìn vào đó, cơ quan phát hành có thể tính toán, cân đối một cách thuận lợi số lượng nợ. Đồng thời, giúp cho việc quản lý, trả lãi đơn giản, thuận tiện hơn. Mặt khác, việc tái cơ cấu thị trường trái phiếu cũng tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm khác như vay, mượn trái phiếu (ở Việt
Mặc dù có những lợi ích như trên, nhưng theo HNX, đến nay việc triển khai Đề án tái cơ cấu thị trường TPCP vẫn chưa được thực hiện. Mấu chốt nhất vẫn nằm ở chỗ hành lang pháp lý chưa có. Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2011, nhưng thông tư hướng dẫn nghị định này và Đề án tái cơ cấu thị trường TPCP đến nay chưa được ban hành.
Đại diện HNX cho biết, dự kiến TPCP sẽ được thí điểm tái cơ cấu là loại 2 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành. Loại này hiện có đến 42 mã với nhiều thời điểm phát hành và đáo hạn khác nhau.
"Cũng giống như việc vận động DN lên niêm yết khi thị trường cổ phiếu mới đi vào giao dịch, hiện chúng tôi cũng phải đi vận động các thành viên giao dịch thực hiện việc hoán đổi trái phiếu", đại diện HNX nói.
Ghi nhận của ĐTCK, phần lớn các thành viên giao dịch muốn làm, nhưng còn băn khoăn về mặt pháp lý. Hiện có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc thí điểm mua lại TPCP.
"Tái cơ cấu là thay vì nắm 5 mã thì chuyển thành nắm 1 mã, trong khi giá trị và thời hạn không thay đổi. Như vậy, thành viên giao dịch sẽ phải thực hiện nghiệp vụ bán ra và mua lại. Vậy nhưng, chúng tôi có phải chịu thuế cho việc mua bán này không? Về cơ bản là không, vì chúng tôi không phát sinh thu nhập, nhưng cơ quan thuế có thể yêu cầu xuất toán nếu không có cơ chế riêng dành cho việc thí điểm", đại diện một ngân hàng TMCP nói.
Mặt khác, việc bán đi, mua lại trái phiếu cũng có thể khiến thành viên giao dịch lỗ trên sổ sách. Nếu không được cơ quan quản lý giải thích thấu đáo thì một việc làm tưởng như "vô hại" có thể gây phiền phức cho các ngân hàng, CTCK là thành viên giao dịch.
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 01/2011/NĐ-CP, chủ thể phát hành có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc cơ cấu lại nợ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp và các ngân hàng chính sách. Bên cạnh đó, chủ thể phát hành có thể thực hiện hoán đổi trái phiếu để cơ cấu lại nợ sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính. Việc hoán đổi trái phiếu phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và hiệu quả. Việc tổ chức đấu thầu hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh và việc xác định kết quả trúng thầu tại các phiên hoán đổi trái phiếu được thực hiện theo quy định về hoán đổi TPCP.
Nhìn chung, dự thảo Thông tư trên chủ yếu đề cập đến chế độ tài chính đối với các chủ thể phát hành. Những vấn đề liên quan đến tài chính của các thành viên giao dịch khi tham gia hoán đổi, mua bán lại trái phiếu chưa được đề cập.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện cơ quan này đang rà soát để hoàn thiện các hướng dẫn ban hành cùng Đề án tái cơ cấu thị trường TPCP. Trước khi thực hiện đồng bộ sẽ thực hiện thí điểm tái cơ cấu một số loại trái phiếu với một số ít thành viên. Dự kiến, trong quý III/2011 sẽ hoàn thành các văn bản pháp lý để thực hiện. Ông Danh đánh giá, đây là đề án rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong huy động nguồn lực cho đầu tư. |