Tái cơ cấu thị trường vốn Việt Nam, những bài toán lớn

Tái cơ cấu thị trường vốn Việt Nam, những bài toán lớn

(ĐTCK) Thị trường vốn là một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo, bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán được đẩy mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ vốn, đóng góp tích cực vào sự phát triển các ngành, lĩnh vực.

Diện mạo thị trường vốn sau giai đoạn tái cấu trúc 2011-2015

Vốn đóng góp trên 53% tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn trên tổng thể còn thấp. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6,91 điểm, cao hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.

Vấn đề đặt ra là phải cải thiện hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn xã hội thông qua nâng cao vai trò của thị trường. Do vậy, tái cơ cấu thị trường vốn (đặt trong tổng thể thị trường tài chính) là một trong những trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tái cơ cấu thị trường vốn tập trung vào xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của ngân hàng thương mại.

Sau 5 năm tiến hành tái cơ cấu thị trường vốn, có thể nhìn thấy một số kết quả bước đầu như sau:

Một là, thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Sản phẩm trên thị trường chứng khoán được đa dạng hóa, đã hình thành khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Tổng giá trị niêm yết đến cuối năm 2015 đạt 581.000 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2011; giá trị vốn hóa bình quân công ty tăng 2,6 lần. Số lượng nhà đầu tư đến cuối năm 2015 tăng 50% so với năm 2011; trong đó, số lượng nhà đầu tư tổ chức tăng gấp 2 lần. Chất lượng các công ty quản lý quỹ, tổ chức chứng khoán được cải thiện.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đến cuối năm 2015 đạt gần 35% GDP (gấp 1,5 lần so với năm 2011), tốc độ tăng bình quân 10%/năm. Thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng bình quân 31%/năm, được đánh giá là có mức tăng trưởng khá trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực ASEAN+3 và Đông Á, dư nợ trái phiếu đạt 24% GDP. Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Hai là, thị trường vốn tín dụng trung và dài hạn dần ổn định, lành mạnh. Đến cuối năm 2015, hệ thống tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ an toàn vốn 13%, đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của pháp luật. Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9%/năm trong năm 2011 xuống còn 9,08%/năm trong năm 2015. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện, tăng từ 14,3% năm 2011 lên 17,3% năm 2015.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhất định, song thị trường vốn trong nước vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Vai trò của thị trường vốn như một kênh huy động và phân bổ nguồn lực tài chính chính thức cho đầu tư phát triển chưa thực sự rõ nét. Việc huy động và phân bổ vốn đầu tư trung và dài hạn vẫn dựa đáng kể vào hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn tương đối hạn chế. Quy mô thị trường chứng khoán tăng nhanh, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa trở thành kênh cấp vốn quan trọng nhất cho khu vực doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2015, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán tăng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 50% đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường vốn. Các thể chế thị trường vốn chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt là chưa có các đơn vị định mức tín nhiệm.

Kênh huy động và phân bổ vốn thông qua các tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa thực sự hiệu quả. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng còn cao, chưa được xử lý dứt điểm làm cho lãi suất cho vay vẫn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính do việc tăng vốn chủ yếu từ nguồn cổ tức.

Lãi suất cho vay vẫn còn cao so với mức lạm phát và mặt bằng lãi suất chung của khu vực ASEAN  4, làm giảm khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Một lượng lớn vốn huy động từ hệ thống ngân hàng vẫn chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản.

Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, tái cơ cấu thị trường vốn được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng chậm hơn so với dự báo. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2013, Việt Nam chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, dẫn tới sự suy giảm của thị trường tài chính, tác động tiêu cực đến sức hút thị trường, làm giảm sự gia tăng quy mô thị trường vốn.

Thứ hai, những vấn đề về cấu trúc thị trường và các thành tố trên thị trường là vấn đề có tính hệ thống, khó có thể giải quyết trong ngắn hạn như: tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, nợ xấu và quản trị rủi ro kém tại các ngân hàng thương mại; các thành tố trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thành tố trung gian kém phát triển (thiếu các tổ chức định mức tín nhiệm, chất lượng của các tổ chức môi giới chứng khoán, định giá còn thấp, các nhà đầu tư trên thị trường chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ…).

Thứ ba, môi trường thể chế, pháp lý của thị trường vốn chậm được đổi mới và hoàn thiện. Đến nay, vẫn chưa hình thành khung khổ pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ; chưa tạo ra cơ chế phát triển các nhà đầu tư vốn dài hạn trên thị trường, huy động vốn cho lĩnh vực công nghệ cao (quỹ mạo hiểm/quỹ cổ phần tư nhân,…), chưa thu hút được nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tham gia thị trường. Quy định pháp lý cho hoạt động của hệ thống ngân hàng còn thiếu tính ổn định, trung bình cứ 1 tuần lại có 1 thông tư được ban hành trong giai đoạn 2012-2015 (cả giai đoạn ban hành 246 văn bản, trong đó có 211 thông tư). 

Những mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020 và xa hơn

Giai đoạn 2016 - 2020, môi trường kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ ổn định, cho phép Việt Nam đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ góp phần mở cửa thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn toàn cầu.

Đây là cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng nhanh quy mô thị trường (đặc biệt là thị trường chứng khoán); đồng thời cũng đặt ra áp lực phải chuẩn hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế và quản lý tốt dòng vốn vào ra.

Bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới sẽ chuyển dịch dần từ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sang kết hợp với ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Từ đó, đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vốn, làm tăng khả năng tiếp cận vốn và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, cũng như có chính sách khuyến khích thị trường phân bổ vốn vào các ngành ưu tiên. Mục tiêu đến năm 2020 là hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm rủi ro, củng cố an toàn hệ thống, tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.

Trong đó, tập trung xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% một cách bền vững; giải quyết dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém; cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực; phấn đấu đến năm 2020, có từ 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP. 

Giải pháp phát triển thị trường vốn

Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng, nhất là bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến tạo khung khổ pháp lý đủ rõ, đủ mạnh cho hình thành và vận hành tốt thị trường mua bán nợ. Hoàn thiện khung pháp luật về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu theo các chuẩn mực quốc tế. Xây dựng khung khổ pháp luật để thị trường nợ hình thành và vận hành một cách hiệu quả và thiết thực.

Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nhằm hạn chế thao túng các tổ chức tín dụng của các cổ đông lớn. Tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sáp nhập, hợp nhất, mua lại, phá sản, giải thể và các biện pháp khác tổ chức lại tổ chức tín dụng.

Hai là, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Áp dụng biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém bằng các giải pháp thích hợp, gồm cả thí điểm cho phá sản, giải thể trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và ổn định hệ thống tài chính.

Tìm kiếm và bố trí nguồn lực nhà nước và ngoài nhà nước đủ lớn để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với tiêu chuẩn Basel II, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng tiêu chuẩn vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn.

Ba là, mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm. Sớm sát nhập hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM. Phát triển hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ để thành lập hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu chính phủ theo thông lệ quốc tế.

Nghiên cứu tính khả thi và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường vốn. Cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho tái cơ cấu thị trường vốn trong khuôn khổ tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là việc ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, EVFTA. Định hướng đến năm 2020 và các năm tiếp theo, tái cơ cấu thị trường vốn tập trung vào hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và đẩy nhanh xử lý nợ xấu một cách bền vững.

Tin bài liên quan