- Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam cần có những chính sách như thế nào để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ?
Ông Đoàn Duy Khương: Có thế nói, trong bối cảnh chung của thế giới đang thay đổi hết sức nhanh chóng và đặc biệt là sự phát triển của kinh tế thị trường, hơn thế nữa là sự phát triển của khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, logistic, hóa chất... chắc chắn là cơ hội và thách thức sẽ mở ra đối với nền kinh tế.
Để phát triển sản xuất công nghiệp thì điều đầu tiên chúng ta phải có sản phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay thì Việt Nam phải phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất hàng loạt mang tính chất tận dụng lợi thế cạnh tranh.
Nhưng rõ ràng, cạnh tranh hiện nay không chỉ dừng ở cấp độ nền kinh tế, cấp độ ngành nghề mà cạnh tranh cả cấp độ sản phẩm dịch vụ và đặc biệt là chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm đó và chuỗi giá trị này sẽ liên quan đến các sản phẩm của công nghiệp phụ trợ, chính vì vậy cần mô hình mới để có thể tập hợp, hướng tới phục vụ tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Mới đây, Chính phủ đã có văn bản giao cho VCCI và các bộ, ngành liên quan xây dựng một Nghị quyết của Chính phủ nhằm tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp qua đó có thể tạo ra sự phát triển cho đất nước.
- Một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam là dệt may cũng đang gặp nhiều khó khăn về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, vậy theo ông chúng ta phải tập trung như thế nào cho ngành công nghiệp phụ trợ thế nào để đón đầu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP?
Ông Đoàn Duy Khương: Theo tôi, hiện nay ngành dệt may cũng phát triển rất mạnh và Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành dệt may thì ngành dệt may vẫn còn yếu ở khâu vật liệu đầu vào và thiết kế sản phẩm.
Trước thực tế đó, trong việc hoạch định chính sách, cần xác định lợi thế cạnh tranh xem những ngành nghề nào, mặt hàng nào có khả năng cạnh tranh, những sản phẩm phụ trợ nào trong chuỗi dịch vụ cung ứng của thế giới mà ta có lợi thế cạnh tranh.
Đơn cử, một sản phẩm như iPad, iPhone không chỉ sản xuất ở Hoa Kỳ mà các linh kiện còn sản xuất ở hàng chục nước khác, do vậy cạnh tranh không dừng ở cấp độ sản phẩm mà còn ở chuỗi giá trị sản phẩm và cần xác định những câu hỏi như vậy.
Đối với Việt Nam, với lợi thế rất mạnh về vị trí địa lý là trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn thế nữa còn có một lực lượng lao động trẻ, dồi dào thì chúng ta cũng cần phải khai thác một cách tốt nhất.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực logistic, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì các ngành liên quan đến hậu cần, hàng hóa cần phải nghiên cứu phát triển, đồng thời phải nghiên cứu lại lợi thế cạnh tranh của những ngành nghề truyền thống qua đó tìm ra hướng đi mới.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Ba tháng đầu năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự sụt giảm đáng kể, theo ông chúng ta cần làm gì để tạo ra lợi thế cho những ngành này?
Ông Đoàn Duy Khương: Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các nước có 3 nhóm luôn gắn kết với nhau đó là: Thương mại, Tài chính ngân hàng, sản xuất và công nghiệp.
Tôi cho rằng, Xúc tiến thương mại trong mô hình hiện nay cần phải nhận thức và thay đổi một chút, đó là tập trung cho sản xuất và công nghiệp, bởi nếu muốn hay không muốn việc xúc tiến thương mại và đầu tư thì việc đầu tiên là phải có hàng hóa và muốn có sức cạnh tranh thì cần có tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm và sản xuất một cách công nghiệp cũng như tăng lợi thế về quy mô của nền sản xuất hàng hóa đó.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay cần xác định lĩnh vực nào, ngành nghề sản xuất và dịch vụ nào thậm chí là những chuỗi giá trị sản phẩm nào chúng ta có khả năng cạnh tranh, sau đó phải có các chính sách tài chính ngân hàng, marketing và bán hàng cho tốt. Vấn đề này chúng ta cần phải cùng nhau tìm hiểu và các chính sách đi theo những trọng tâm đó thì mới đạt kết quả.
Trong khi đó, việc sản xuất hiện nay vẫn còn khó khăn nhất định theo tôi, trong việc hoạch định chính sách cần xác định những mặt hàng, những ngành sản xuất công nghiệp, những hàng hóa nào có lợi thế cạnh tranh, bởi trong bối cảnh hiện nay thì lợi thế cạnh tranh của các nước cũng thay đổi và xuất hiện những đối thủ cạnh tranh mới, do vậy cần có các chính sách đi kèm nhằm phục vụ cho ngành có lợi thế. Mỗi ngành cần có một chính sách thích hợp và hợp lý thì mới phát triển.
- Hoạt động logistic của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI có kiến nghị gì với Chính phủ?
Ông Đoàn Duy Khương: Trong bối cảnh công nghệ thông tin thì bản chất của cả ngành logistic cũng phát triển và thay đổi theo, nếu như chúng ta vẫn tiếp tục với hệ thống logistic cũ thì chắc chắn sẽ không bắt kịp được với thế giới và có thể mất lợi thế cạnh tranh cũng như các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực này có thể chiếm lĩnh thị trường.
Do vậy, nếu logistic tốt thì sẽ giảm được nhiều chi phí của hàng hóa và tăng lợi thế cạnh tranh cũng như có thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Tôi cho rằng, đây không chỉ là bài toán của các nhà hoạch định chính sách mà còn là trách nhiệm của các nhà công nghiệp và sản xuất do vậy đại diện các bên cần phải ngồi với nhau để có thể hợp tác cũng như thúc đẩy chuỗi giá trị đó để có thể tăng khả năng cạnh tranh