Trước sự sốt ruột của nhiều đại biểu với thực trạng kinh tế hiện nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta muốn có sự đột phá trong phát triển kinh tế để bước qua sự suy thoái, nhưng cũng cần hiểu rằng, nếu chỉ đạo không chặt chẽ thì sẽ dẫn đến nguy cơ tái lạm phát, một điều rất nguy hiểm. Dù rằng thực trạng nền kinh tế đang bày ra trước mắt nhiều vấn đề nan giải.
Hoạt động đầu tư công đã bước đầu đi vào quy củ
“Nói thật với Quốc hội là ít người mua lắm”
Một nội dung lớn được nhiều đại biểu quan tâm và có chất vấn gửi tới Phó Thủ tướng là tiến độ thực hiện Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trụ cột tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang diễn ra rất chậm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: “Nhiều cử tri băn khoăn, nguyên nhân là do sự tác động của lợi ích nhóm, cơ chế, chính sách không phù hợp hay vì lý do nào đó đã cản trở tiến trình trên. Vậy xin Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm thuộc về ai? Phó Thủ tướng có giải pháp gì mang tính đột phá để khắc phục tình trạng trên?”.
Cho rằng về mặt chủ quan, sự chỉ đạo, điều hành sắp tới cần quyết liệt hơn, Phó Thủ tướng cho biết, có 3 yếu tố lớn làm chậm tiến trình tái cơ cấu. Thứ nhất, tái cấu trúc là một vấn đề lớn, đụng chạm đến nhiều cấp, nhiều ngành, cả người dân và DN, cho nên điều đầu tiên cần hoàn thiện là thể chế, cơ chế. Triển khai một vấn đề lớn mà cơ chế, thể chế chưa đầy đủ thì khó mà giải quyết được.
Thứ hai là do sự kìm hãm từ thị trường cả trong nước và thế giới. “Chính phủ rất muốn đẩy nhanh cổ phần hóa, nhưng nói thật với Quốc hội là ít người mua lắm”, Phó Thủ tướng phân trần.
Thứ ba là thiếu hụt nguồn nhân lực, từ nhân lực lãnh đạo của các tập đoàn, DN, đến cả nhân lực lao động bình thường cũng không đáp ứng được nhu cầu của tái cơ cấu.
Tuy còn những tồn tại, nhưng việc thực hiện Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đã có kết quả tích cực. Trong hoạt động đầu tư công, những công trình không có hiệu quả đã phải nhường bước cho công trình có hiệu quả, triển khai dứt điểm. Bố trí chương trình đầu tư trung hạn vào năm 2015 để các địa phương chủ động lên kế hoạch. Đối với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, 9 ngân hàng yếu kém đã được quyết liệt sắp xếp lại, từ đó tính thanh khoản của các đơn vị này và cả hệ thống đã vững chắc hơn.
Về hoạt động tái cơ cấu DNNN, tuy có chậm nhưng đến nay đã có 69 tập đoàn được duyệt phương án tổ chức kinh doanh, điều lệ kinh doanh mới, có 27 DN lớn được cơ cấu lại, trong đó có 16 đơn vị lớn đã cổ phần hóa…
Xác định cơ chế triển khai là tiền đề của mọi hoạt động, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề ra các giải pháp như về tái đầu tư công, ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, giám sát chống lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản từ vốn TPCP, vốn ngân sách...
Về tái cơ cấu hệ thống TCTD, thực hiện lộ trình theo đề án, các phương án đã được duyệt, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Đối với DNNN, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tại các tập đoàn, tổng công ty, làm sao để làm rõ trách nhiệm chủ sở hữu cũng như trách nhiệm người điều hành.
Sẽ đẩy mạnh thoái vốn nhà nước
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) đặt vấn đề, có một nguồn vốn nhà nước rất lớn tại các DN đã cổ phần hóa đang nằm chết ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Điển hình như tại Vinamilk, Nhà nước nắm giữ 45%, vốn hóa hiện nay là 51.000 tỷ đồng và rất dễ thoái vốn. Vậy tại sao không sử dụng nguồn vốn này để phục vụ các dự án quan trọng, ví dụ như Dự án Bauxite Tân Rai, riêng lãi vay lên tới 1.800 tỷ đồng trong thời gian xây dựng?
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 3, khoá IX thì "số tiền thu được từ cổ phần hóa dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư". Do đó, thu từ cổ phần hóa được sử dụng giải quyết chính sách cho người lao động, bổ sung vốn cho các DN mà Nhà nước cần sở hữu chi phối.
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến này của đồng chí Trần Du Lịch để báo cáo với Thủ tướng, báo cáo với Bộ Chính trị có biện pháp sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa sao cho có hiệu quả nhất”, Phó Thủ tướng nói.
Giải quyết dứt điểm 88% vụ khiếu kiện kéo dài
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã 2 lần đặt câu hỏi và nhấn mạnh, từ khi nhận trọng trách Phó ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, xử lý đưa ra ánh sáng bao nhiêu vụ tham nhũng điển hình? Giải quyết dứt điểm bao nhiêu vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, bài học nào là tâm đắc, sâu sắc nhất cả thành công và chưa thành công mà Phó Thủ tướng rút ra từ quá trình chỉ đạo các vụ việc nóng, nhạy cảm và phức tạp?
Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2011, khi được phân làm Phó ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, ông đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác này như xây dựng thể chế, đôn đốc kiểm tra và đã xử lý được một số vụ việc nổi cộm.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, có nhiều tiến bộ, nhưng có thực trạng là số vụ khiếu nại đông người tăng lên, tăng 22,6%, trong đó khiếu nại đất đai chiếm 78%. Trong 528 khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, có vụ kéo dài hơn 20 năm, đã giải quyết dứt điểm 462 vụ, đạt gần 88%, còn hơn 60 vụ nữa thời gian tới sẽ được tập trung giải quyết.
“Bài học tâm huyết nhất của tôi là đã giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân một cách căn bản. Bài học lớn nhất là tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề mình được phân công”, Phó Thủ tướng nói.