Tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 còn vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
Để các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả, ngoài công tác tổ chức triển khai thực hiện, còn cần sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm, sự chia sẻ của các tổ chức tín dụng.
Tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 còn vướng mắc

Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp là phải thực hiện đầy đủ, công khai và minh bạch cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; về miễn, giảm lãi vay.

Trách nhiệm đó còn là phải đổi mới và ứng dụng công nghệ, kết hợp với cải cách hành chính để tạo tiện ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách, được hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, đưa cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gia qua theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng. Riêng trên địa bàn TP.HCM đến nay đạt 1.423.235 tỷ đồng, với 361.438 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 132.329 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 243.853 tỷ đồng.

Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19, song không ít khách hàng vẫn gặp khó khăn khi còn bất cập trong cơ cấu nợ.

Cụ thể, theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định các doanh nghiệp được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 12 tháng, nhưng thực tế, doanh nghiệp du lịch rất khó khăn trong thanh toán các khoản nợ, trong khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) nên được nới lên 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ...

Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, song không ít doanh nghiệp cho rằng, hiệu quả không nhiều, vì thời gian tái cơ cấu nợ chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi đó khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, các ngân hàng cho rằng, với thông tư này, tổ chức tín dụng phải trích lập tối thiểu 30% dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu trong năm nay và trích lập tỷ lệ tương ứng trong 2 năm tiếp theo (trích lập toàn bộ dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm).

Covid-19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp, mà cả ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính, có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, khiến áp lực nợ xấu tăng lên. NHNN ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay, song nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Do vậy, ngân hàng vẫn phải đối diện thách thức nợ xấu tăng lên trong năm nay và cả năm tới.

Tin bài liên quan