Chậm hơn mong đợi
Trong những ngày đầu năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị 02 tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) là trọng tâm của toàn ngành trong năm 2017.
Tuy nhiên, tại cuộc Họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam diễn ra đầu tuần này, chuyên gia kinh tế ADB nhận định, khó nắm bắt các tiến bộ trong công cuộc cải cách khu vực tài chính.
Cụ thể, dù tỷ lệ nợ xấu được báo cáo chính thức trong năm 2015 và 2016 giữ ở mức thấp, khoảng 2,5% tổng dư nợ, song điều này chủ yếu do 12,7 tỷ USD nợ xấu đã được chuyển từ các ngân hàng thương mại sang Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Đến cuối năm 2016, công ty này mới chỉ xử lý được 18% số nợ xấu mua về từ các ngân hàng.
“Như vậy, tiến bộ thực sự của việc kiểm soát nợ xấu sẽ phụ thuộc vào tốc độ cũng như chi phí của VAMC trong việc xử lý các tài sản xấu. Hơn nữa, tiến độ củng cố hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục suy giảm, trong năm 2016, không có trường hợp sáp nhập hay mua lại nào được hoàn tất... Tiến độ tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu chậm hơn mong đợi, khiến các ngân hàng đứng trước những nghĩa vụ nợ tiềm ẩn lớn”, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế ADB cho biết.
Chung quan điểm này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đi để cải thiện hệ thống ngân hàng, tuy nhiên tốc độ vẫn còn có thể đẩy nhanh hơn nữa. Số lượng các ngân hàng trong nước đã giảm nhưng lộ trình cải cách cho thấy còn nhiều ngân hàng cần được tái cơ cấu”.
Điểm đáng chú ý là, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Dự thảo tờ trình có những thông tin đặc biệt về quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, với nhiều tồn tại, hạn chế.
Trong đó, có 2 vấn đề nổi bật. Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ.
Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Sự phức tạp của việc xử lý nợ xấu
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu vẫn là điểm mấu chốt trong quá trình tái cấu trúc hệ thống, cần được ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.
Theo đó, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bên cạnh sự phục hồi kinh tế, rất cần nâng cao năng lực cho VAMC để công ty này thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu và xử lý một cách triệt để (cả về pháp lực, năng lực, nguồn lực, và quyền lực; trong đó quyền lực và pháp lực là quan trọng nhất), đồng thời tạo dựng những tiền đề cần thiết cho việc vận hành thị trường mua bán nợ và hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp lý đối với thị trường bất động sản.
Đặc biệt, TS. Thành cho biết, vấn đề nợ xấu có tương tác đa chiều, không chỉ nghiêm trọng xét ở khía cạnh “sức khỏe” hệ thống ngân hàng. Nó gắn liền với tổng thể quá trình cải cách hệ thống ngân hàng, từ minh bạch hóa, tăng cường năng lực quản trị rủi ro, đáp ứng Basel II, các chuẩn mực kiểm toán kế toán, xử lý sở hữu chéo, đến tăng cường năng lực giám sát tài chính, tái cấu trúc từng ngân hàng…
Xử lý nợ xấu cũng có tác động mạnh đến dòng tín dụng và việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Bài toán khó khăn đối với ngân hàng là làm sao đáp ứng được yêu cầu vốn cho doanh nghiệp mà phải đảm bảo rằng nợ xấu không tăng.
“Vấn đề nợ xấu và cách xử lý còn liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, củng cố lòng tin thị trường… Tức là, các vấn đề liên quan và có tác động qua lại với nhau. Ví như, nếu không tiếp tục lành mạnh hóa theo các tiêu chuẩn tốt nhất thì sẽ không thể có khả năng chống đỡ với các cú sốc. Hay không tăng cường năng lực quản trị, giám sát thì làm sao lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng và cả tính phức tạp, khó khăn của việc xử lý nợ xấu”, TS. Thành nhấn mạnh.
Cần nhanh chóng phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu TCTD
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thường trực Chính phủ cơ bản thông qua để báo cáo Bộ Chính trị, song vẫn chưa được chính thức thông qua để triển khai thực hiện.
Thời gian không dài mà khối lượng công việc lại rất lớn với yêu cầu các TCTD, không phân biệt tốt hay yếu kém đều phải có đề án cơ cấu lại gắn với lộ trình tổng thể của cả hệ thống ngân hàng trong 5 năm tới. Do đó, việc sớm phê duyệt đề án tổng thể cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng giúp các ngân hàng thương mại chủ động cơ cấu lại, tăng cường quản trị rủi ro trong bối cảnh tiếp tục mở rộng tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi ngân hàng thương mại, cũng như của toàn bộ hệ thống.
“NHNN tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường công tác cơ cấu lại TCTD, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực thể chế cho các TCTD và cải thiện công tác thanh tra giám sát. Điểm quan trọng nhất là rà soát lại các văn bản pháp quy, dần hình thành một thị trường mua bán nợ xấu với hạt nhân là VAMC. Đến lượt mình, VAMC cần nâng cao vai trò thông qua cơ cấu lại công ty, tăng vốn điều lệ, mở rộng và tăng khả năng hoạt động để có thể hỗ trợ các TCTD mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Tổng giám đốc HSBC nêu quan điểm: “Việc xây dựng một thị trường vốn vững mạnh để giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng là một mục tiêu quan trọng. Chưa kể, cần tăng cường năng lực vốn của VAMC và củng cố thị trường bất động sản khi phần lớn thế chấp về nợ xấu là bất động sản. Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao những nỗ lực của NHNN trong việc thắt chặt kiểm soát hoạt động ngân hàng và giảm sở hữu chéo”.