Những ngân hàng quốc doanh được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm bởi hoạt động khá tốt và có uy tín

Những ngân hàng quốc doanh được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm bởi hoạt động khá tốt và có uy tín

Tái cơ cấu ngân hàng: Cần tạo bước nhảy vọt về vốn

(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, việc triển khai Đề án sẽ tập trung vào mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng mức vốn tự có hướng tới chuẩn mực của Basel II…

Trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay, có 3 ngân hàng đã cổ phần do Nhà nước nắm trên 50% vốn là BIDV, VietinBank và Vietcombank. Theo yêu cầu về tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II, những ngân hàng này thuộc trường hợp buộc phải tăng vốn. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng trên đều cho biết, thời gian qua tuy đã nỗ lực song việc tăng vốn còn gặp khó.

Cụ thể, Vietcombank chưa thể bán hơn 7% vốn cho đối tác nước ngoài do giá trên thị trường cao mà ngân hàng lại không được phép bán giá thấp hơn, trong khi nhà đầu tư mua lô lớn luôn muốn giá rẻ. BIDV cũng chưa tìm được đối tác để bán tối đa 30% cổ phần như mục tiêu đề ra từ năm 2014 và VietinBank chưa nhận sáp nhập xong PGBank do còn vướng mắc về một số vấn đề trong đó có tỷ lệ hoán đổi…

Đối với ngân hàng do Nhà nước nắm 100% vốn như Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa, Ngân hàng đã tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Do Agribank là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên việc tăng vốn điều lệ phải do Nhà nước quyết định.

“Đầu năm 2017, Ngân hàng đã tăng 1.400 tỷ đồng vốn, nhưng theo tiêu chuẩn Basel, vẫn còn thiếu 10.000 tỷ đồng”, ông Khánh nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, từ trước tới nay, việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh rất phức tạp, do Chính phủ quyết định và thường thực hiện trên nền tảng là các hình thức đặc biệt như trái phiếu đặc biệt, hay còn gọi là trái phiếu ghi sổ.

TS. Nghĩa cho rằng, “điều này không nên kéo dài” và gợi ý ba cách để giải quyết vấn đề. Thứ nhất, Nhà nước phải chi tiền từ ngân sách. Thứ hai, để cho các ngân hàng quốc doanh được giữ lại một phần lợi nhuận. Thứ ba, Chính phủ giảm cổ phần của Nhà nước trong các ngân hàng này để huy động nguồn lực từ bên ngoài.

“Khả năng chi tiền từ ngân sách để tăng vốn gần như là không có, bởi cho đến thời điểm hiện nay, theo tôi được biết, kế hoạch chi tiêu của Bộ Tài chính không hề có ý tưởng này. Việc giữ lại một phần lợi nhuận cũng khó khả thi, bởi số tiền này thực tế không lớn so với tổng tài sản của các ngân hàng này. Theo đó, cách tốt nhất là bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, giảm dần cổ phần của Chính phủ xuống dưới 51%”, TS. Nghĩa nói.

Thực tế, những ngân hàng quốc doanh được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm bởi hoạt động khá tốt và có uy tín. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm Trung Quốc trong thời điểm rất căng thẳng về việc cung cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh đã đưa ra sáng kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, giúp các nhà băng này giải quyết khó khăn như: nhanh chóng tăng tổng tài sản, giảm thiểu nợ xấu…

TS. Nghĩa cho biết, khi niêm yết, thực tế các ngân hàng này chưa hoạt động tốt nhưng nhờ sự hỗ trợ của các công ty tư vấn của Hong Kong, đã đáp ứng được các tiêu chí của một ngân hàng trên sàn chứng khoán quốc tế, đặc biệt về quản trị. Với những bước nhảy vọt về quản trị, uy tín của những ngân hàng này ngày càng tăng cao, vốn chảy vào càng nhiều và nhanh chóng trở thành những ngân hàng hàng đầu thế giới.

“Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm này để niêm yết các ngân hàng quốc doanh trên sàn chứng khoán Hong Kong hoặc Singapore. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy, sẽ có những bước nhảy vọt về chất lượng quản trị và đặc biệt về vốn cho những ngân hàng này”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan