Cần tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh: Hoài Nam

Cần tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh: Hoài Nam

Tái cơ cấu nền kinh tế, đã đến lúc “sốt ruột”

(ĐTCK) LTS: Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2014 vừa diễn ra ở Ninh Bình, các chuyên gia kinh tế nhận xét, tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng tiến độ triển khai còn chậm. 
 

Để rộng đường dư luận, ĐTCK sẽ phản ánh vấn đề này theo một số góc cạnh, đồng thời giới thiệu tham luận của một số chuyên gia về giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Hãy sốt ruột với thời gian

“Hãy sốt ruột với thời gian. Nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, thì có nghĩa chúng ta tiếp tục dung túng dồn những vấn đề chưa làm được cho những năm sau, cho nhiệm kỳ sau…”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Sở dĩ ông Cung sốt ruột với tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra chậm, bởi sự tăng trưởng kinh tế gần đây vẫn dựa chủ yếu vào mở rộng đầu tư từ Nhà nước, khai thác tài nguyên…

Theo ông Cung, để khắc phục tình trạng này, qua đó thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, cần tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp để đạt được những bước tiến dài trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu then chốt là: DNNN, đầu tư công và khu vực tài chính, ngân hàng.

Vẫn theo ông Cung, trong bối cảnh nợ xấu tăng, khó tiếp cận tín dụng mà đòi hỏi khu vực tư nhân tăng đầu tư là điều không tưởng. Nhưng Nhà nước tăng vốn đầu tư mỗi khi cầu đầu tư bắt đầu suy yếu cũng là không ổn. Cần phải thay đổi cách tiếp cận về tăng cầu đầu tư cho nền kinh tế, thì 1 - 2 năm tới, đầu tư từ khu vực tư nhân mới tăng được.

“Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay thực chất là một cuộc cải cách. Làn sóng cải cách lần 2 này phải thị trường hơn, mới đưa tái cơ cấu nền kinh tế đạt được những kết quả đột phá. Chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nếu không kiên định đi theo cơ chế này, thì không giải quyết được vấn đề gì”, ông Cung nhấn mạnh.

Chia sẻ sự sốt ruột của ông Cung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói: “Phải sốt ruột với thời gian để triển khai các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế nhanh và thành công hơn”.

Để đưa các ý tưởng, đề xuất của các chuyên gia thành các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, ông Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ phân tích, nghiên cứu nhằm xây dựng báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch năm 2015 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc trong tháng 10 này.

“Tôi ngại nhất là ngồi nghe ý kiến của các chuyên gia rồi bỏ qua, mà không biến các đề xuất, kiến nghị có chất lượng thành hành động cụ thể. Các bộ, ngành cần trân trọng, cầu thị tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, để xây dựng, triển khai các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Giàu nói. 

Nên lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế

Để tạo kết quả đột biến trong tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, trong bối cảnh còn tồn tại một số rào cản về lợi ích cục bộ và thông tin chia cắt, Chính phủ nên hình thành Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy ban này sẽ phối hợp với các cơ quan triển khai và giám sát các chương trình tái cơ cấu.

“Cùng với đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, cũng cần nhanh chóng xóa bỏ độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực: điện, viễn thông, xăng dầu… để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Cần đưa ra các quy định thông thoáng hơn cho NĐT nước ngoài tham gia mua bán nợ xấu, sở hữu ngân hàng và mua bán bất động sản”, ông Minh đề xuất.

Nhìn nhận tiến độ triển khai tái cơ cấu nền kinh tế đang chậm, đáng báo động nếu 5 năm nữa không tạo được động lực tăng trưởng, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề nghị, cần giải quyết các bất cập về nhóm tác động bên cung của nền kinh tế, trong đó quan trọng là cải cách công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…, để tạo năng suất tốt hơn. Cần có chiến lược rõ ràng hơn khi đặt nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi kinh tế toàn cầu, bằng việc định vị và tập trung đầu tư lớn, dài hạn cho các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

“Cần tập trung đổi mới thể chế để đáp ứng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, giải phóng tiềm năng phát triển. Thể chế kinh tế thị trường có hai nguyên tắc cơ bản là: giá cả hình thành trên quan hệ cung cầu; đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, để thúc đẩy phát triển”, ông Ngoạn nói.              

Tin bài liên quan