Để tái cơ cấu nền kinh tế thành công, việc phân bố lại nguồn lực có ý nghĩa quyết định. Việc phân bố này cần sử dụng các công cụ thị trường, thay vì công cụ hành chính. Ông có cùng quan điểm này?
Tái cơ cấu nền kinh tế thực chất là phân bố lại nguồn lực trong nền kinh tế, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải cơ cấu lại nền kinh tế? Câu trả lời là do phân bố nguồn lực trong nền kinh tế còn méo mó, lệch lạc.
Vấn đề ở chỗ, việc phân bố lại nguồn lực cần sử dụng triệt để các công cụ thị trường, để mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng trên thực tế vẫn đang sử dụng nhiều công cụ hành chính. Muốn khắc phục tình trạng này, rõ ràng cần thúc đẩy cải cách thể chế quyết liệt hơn nữa, bởi như vậy mới làm cho thị trường vận hành tốt hơn, thúc đẩy được các hoạt động đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế diễn ra sôi động, đạt hiệu quả cao.
Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về đâu là điểm khởi đầu của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi cho rằng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn liền với triển khai cải cách thể chế, thì mới đạt kết quả đột phá. Đây là hai việc có tính quan hệ nhân quả, gắn bó mật thiết với nhau. Trong đó, cải cách thể chế là khâu căn bản để thay đổi động lực, công cụ và hệ thống khuyến khích, nhằm thúc đẩy thị trường vận hành tốt hơn. Từ đó, thị trường sẽ tác động và chi phối tích cực đến quá trình phân bố nguồn lực theo hướng hợp lý hơn, khắc phục những sai lệch, méo mó hiện tại.
Vậy theo ông, đến nay, cải cách thể chế đã đạt những kết quả gì và điều này hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế ra sao?
Cải cách thể chế làm cho thị trường vận hành tốt hơn, nên khi muốn đánh giá những kết quả của quá trình cải cách này, thì tốt nhất là nên nhìn vào thực tiễn vận hành của thị trường. Đến nay, cải cách thể chế mới dừng lại chủ yếu ở việc Nhà nước từ bỏ một số hoạt động mà trước đây Nhà nước làm. Vấn đề cốt lõi là thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước chưa đạt kết quả như mong đợi.
Với lần cải cách này, để đạt mục tiêu tạo ra động lực cho thị trường vận hành tốt và hiệu quả hơn, không thể không thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước. Đó là những đòi hỏi phải thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước; các công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước… Đây là vấn đề rất khó đang đặt ra đối với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như cải cách thể chế.
Với những lần cải cách trước đây, chỉ cần có cơ chế đột phá để giải phóng mạnh mẽ nguồn lực của xã hội là có thể đạt kết quả như mong đợi. Thế nhưng, với công cuộc cải cách kinh tế lần này, làm như vậy mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải thúc đẩy cải cách thể chế, để cơ chế thị trường vận hành tốt hơn.
Cơ chế kinh tế thị trường vận hành trơn tru hơn thể hiện qua các yếu tố: quyền tự do kinh doanh được tôn trọng; đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN; giảm thiểu rủi ro cho DN, nhất là các rủi ro pháp lý, thương mại, chi phí tuân thủ...
Để tạo đột phá về cải cách thể chế, giúp công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đạt hiệu quả cao, theo ông đâu là những điểm cần khắc phục?
Phải có ai đó chịu trách nhiệm về kết quả cải cách thể chế. Nghĩa là đã đến lúc cần quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo các cấp trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cải cách thể chế ở đơn vị mà mình phụ trách, tránh trách nhiệm chung chung. Gắn liền với đó là trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các cấp, cần được cải cách theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn.
Cần có áp lực hành chính đủ mạnh, để tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các ngành, địa phương trong thực hiện cải cách thể chế. Nếu làm tốt những việc này, thì cùng với dư địa cải cách thể chế còn lớn, sẽ tạo đột phá trong cải cách thể chế thời gian tới, qua đó tạo cú hích cho tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang diễn ra chậm, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.