Nào là, hệ số ICOR của khu vực doanh nghiệp nhà nước luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác.
Nào là, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước không chỉ ở mức thấp, mà có xu hướng giảm liên tục theo thời gian.
Nào là, tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước thời gian qua lại diễn ra rất chậm chạp và rất hình thức…
Nhưng có lẽ, tỷ lệ 81,1% vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu trong giai đoạn 2011-2016 vẫn thuộc quyền nắm giữ của Nhà nước là điều đáng bàn hơn cả.
Câu hỏi danh mục đầu tư của nhà nước trong doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở đâu trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế cần phải tiếp tục đặt ra.
Phải nói rõ, với những thay đổi của mô hình tăng trưởng, cơ cấu của nền kinh tế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước đã không còn là “quả đấm thép” dẫn dắt nền kinh tế và các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp nhà nước trở thành công cụ để nhà nước thực hiện vai trò của mình, là đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội mà các thành phần kinh tế khác chưa hoặc không muốn đầu tư theo cơ chế thị trường.
Sự thay đổi này buộc danh mục tài sản, đầu tư của khu vực nhà nước phải cơ cấu lại. Nhưng sau khi bán cổ phần lần đầu, có 70 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ (bao gồm 15 tập đoàn và tổng công ty), 82 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ (bao gồm 4 tổng công ty nhà nước), 96 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…
Đặc biệt, trong 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu trong giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư chiến lược mới chiếm khoảng 7,3% vốn điều lệ.
Có vẻ như các nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn vừa qua không ảnh hưởng nhiểu tới cơ cấu nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước.
Thậm chí, các nghiên cứu còn cho thấy, tốc độ tăng vốn và tài sản của khu vực doanh nghiệp này còn nhanh hơn tốc độ tăng của phần thu về từ bán vốn nhà nước cho các thành phần kinh tế.
Nguồn thu từ hoạt động này chưa được đầu tư và chuyển dịch sang các ngành nghề cần tới vai trò của doanh nghiệp nhà nước, nhất là cácdự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối, dẫn dắt phát triển...
Trong bức tranh này, sẽ rất khó bàn tới giải pháp tạo nên sự thay đổi thực chất về chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thông qua thu hút các nguồn lực, cả vốn và nhân sự, từ bên ngoài.
Song lớn hơn, là quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nói riêng chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế.
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế từ sự lui chân của khu vực nhà nước, cơ hội nới rộng dư địa cho khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục bị kìm hãm.
Thêm nữa, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải được hiểu là toàn bộ những thay đổi về thể chế kinh tế nhằm cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp hơn với vai trò, chức năng của doanh nghiệp trong trong nền kinh tế.
Nghĩa là, sự mờ nhạt trong tác động của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến tái cơ cấu kinh tế còn có nguyên nhân từ thế chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu áp lực buộc các cơ quan chủ quản vốn gánh cả vai chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cũng như lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thực hiện đúng yêu cầu tái cơ cấu, tuân thủ kỷ luật thị trường.
Có lẽ, đây là thời điểm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải vào cuộc, đảm bảo có cơ quan chuyên trách thực hiện các yêu cầu của tái cơ cấu doanh nghiệp, gắn với xây dựng, đề xuất hệ thống chính sách, hệ thống khuyến khích cho khu vực doanh nghiệp này cùng với thực hiện chiến lược đầu tư phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Doanh nghiệp nhà nước phải trở về đúng vị trí, đi dầu trong tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, chứ không phải là vị trí khóa đuôi như hiện tại.