GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần khởi sắc, nhưng muốn tăng trưởng bền vững, phải tái cơ cấu hoạt động xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần khởi sắc, ông có cảm nhận rõ điều này không?
Người lao động có lẽ cũng cảm nhận rõ điều này, khi mấy tháng gần đây, tình trạng giãn việc, giảm việc, sa thải người lao động do thiếu việc làm giảm rõ rệt. Ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm sản xuất công nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động trở lại vì đã ký được đơn hàng xuất khẩu.
Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất khẩu, nhìn vào tốc độ xuất khẩu những tháng gần đây sẽ thấy rõ sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022, thì 7 tháng chỉ còn giảm hơn 10,6%; kết thúc 8 tháng giảm 10% và sau 9 tháng chỉ còn giảm khoảng 8,8%.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt trên 242 tỷ USD, giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Lý do suy giảm xuất khẩu được nhiều chuyên gia chỉ ra là thị trường thế giới giảm, tỷ giá VND/USD được giữ khá ổn định, nhiều đối thủ cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam đang nổi lên..., còn theo ông, thì do những nguyên nhân nào?
Theo tôi, do cả 3 nguyên nhân kể trên và còn nhiều nguyên nhân khác. Nhưng dù nguyên nhân gì, thì đã đến lúc chúng ta phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, vì Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào 6 thị trường chủ lực (Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU), nên chỉ cần một trong 6 thị trường này rơi vào khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và thậm chí còn bị gián đoạn.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, sử dụng vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường… từ thị trường nhập khẩu. Chẳng hạn, với EU, ngoài các điều kiện trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường này tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu ngặt nghèo với hàng nhập khẩu, như bổ sung các quy định mới về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sản xuất xanh, bền vững...
Vậy Việt Nam sẽ tái cơ cấu hoạt động xuất khẩu thế nào, thưa ông?
Cần mở rộng giao thương với các thị trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường lớn. Đơn cử, trong số 27 thành viên thuộc EU, doanh nghiệp Việt Nam mới giao thương chủ yếu với 5 - 6 nước, bỏ qua tiềm năng từ hơn 20 quốc gia còn lại, chưa khai thác hiệu quả EVFTA. Tương tự, với CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), doanh nghiệp Việt cũng mới tập trung vào thị trường lớn. Việc khai thác thị trường thông qua các FTA vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng rất lớn.
Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc giữ thị trường lớn, thị trường truyền thống dễ hơn so với khai phá thị trường mới. Điều đó có đúng không, thưa ông?
Nước nào cũng mong muốn và tìm cách đưa hàng hóa vào thị trường lớn, chứ không riêng Việt Nam, nên cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Thị trường lớn thường rất khó tính, kể cả Trung Quốc, đòi hỏi rất cao về quy trình sản xuất hàng hóa, cụ thể là yêu cầu về sản xuất xanh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có quy định chung về tiêu chí xanh trong sản xuất để làm căn cứ cho doanh nghiệp xác định tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng xuất khẩu. Vì vậy, cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất.
Bên cạnh đó, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất xanh. Về mặt tài chính, các chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh nhằm giải quyết nhu cầu nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ, dự án khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, máy móc chuyển giao công nghệ phù hợp với chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng.
Thưa ông, tái cơ cấu xuất khẩu còn cần chú ý những vấn đề gì?
Cần giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Mặc dù Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA đều hướng tới mục tiêu dỡ bỏ rào cản thương mại, nhưng thực tế vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong đó, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu được các nước sử dụng để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn.
Muốn xuất khẩu bền vững, cần triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp về những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt không bán phá giá… Doanh nghiệp cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ các quốc gia trong các FTA đã ký kết để tận dụng ưu đãi...