Tại tọa đàm “Vai trò của cải cách DNNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam - Cuba do SCIC tổ chức mới đây, ông Lê Huy Chí, Thành viên Hội đồng thành viên SCIC đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về mô hình hoạt động của Tổng công ty.
Chuyên nghiệp hoạt động quản lý vốn
Cho đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.055 DN, với giá trị vốn nhà nước là trên 14.800 tỷ đồng. Ngay sau khi tiếp nhận DN vào danh mục, SCIC sẽ thực hiện việc phân nhóm các DN để quản lý một cách có hệ thống.
Trước đây, SCIC phân loại DN theo 4 nhóm, gồm các DN sẽ được Tổng công ty chủ động giữ lại để đầu tư dài hạn; các DN Tổng công ty nắm giữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các DN cần cơ cấu lại để nâng cao giá trị vốn đầu tư trước khi bán hết vốn; các DN cần phải triển khai bán hết vốn ngay. Từ năm 2019, SCIC đã ban hành tiêu chuẩn phân loại mới đơn giản hơn, chỉ căn cứ theo tỷ trọng vốn và quy mô vốn (xem biểu đồ).
Hệ thống nhân sự quản lý tại các DN do SCIC làm đại diện chủ sở hữu bao gồm người đại diện được SCIC cử, ủy quyền làm người đại diện một phần hoặc toàn bộ phần vốn của SCIC tại các DN; thay mặt SCIC thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh tại DN theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng công ty. Người đại diện có thể là các cán bộ có uy tín, có kinh nghiệm của DN, hoặc có thể là cán bộ hoặc lãnh đạo của SCIC (đối với các DN quan trọng).
SCIC đặc biệt quan tâm đến việc quản lý thông tin về DN với quan điểm có hệ thống thông tin đầy đủ, cập nhật và linh hoạt. Ðây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để SCIC xây dựng tầm nhìn khách quan, bao quát, từ đó đưa ra các quyết định quản trị hiệu quả, kịp thời.
Theo đó, hệ thống Quản lý danh mục đầu tư do SCIC tự xây dựng, cập nhật thông tin về DN (thông tin chung, bán vốn, đất đai, Ðại hội đồng cổ đông, người đại diện, báo cáo tài chính, cổ tức, công nợ…) để xây dựng các báo cáo quản lý theo yêu cầu. Bên cạnh đó, SCIC thuê tư vấn bên ngoài xây dựng thêm phần mềm quản lý người đại diện, dự kiến sẽ là kênh liên lạc điện tử kết nối giữa SCIC với người đại diện tại các DN nhằm tăng cường tính kịp thời, tính bảo mật, hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Việc giám sát các DN trong danh mục theo các quy định của Nhà nước cũng được SCIC thực hiện chặt chẽ với hệ thống báo cáo khoa học, chi tiết, nhằm liên tục cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Ðáng chú ý, đối với các DN giám sát đặc biệt - là các DN đang thua lỗ, kém hiệu quả, hoặc có vấn đề kiện cáo, cần xử lý theo quy định - SCIC thực hiện giám sát thường xuyên.
Hàng quý, SCIC có các quyết định về danh sách các DN thuộc đối tượng giám sát đặc biệt, báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động của DN trong kỳ, đề xuất các phương án xử lý, tháo gỡ vướng mắc, quy định chi tiết về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc theo dõi quản lý DN.
Là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, cách thức quản lý DN của SCIC có sự khác biệt so với mô hình quản lý mang tính mệnh lệnh hành chính trước đây, đồng thời thích ứng linh hoạt đối với từng DN.
Thông qua vai trò cổ đông, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu DN; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của DN, tư vấn xây dựng chiến lược của DN; đầu tư thêm vốn vào các DN kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các DN thuộc danh mục quản lý...
Với sự hỗ trợ của SCIC, nhiều DN đã thực hiện tái cơ cấu thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động như Vinaconex, Vietracimex, Constrexim, Thương mại Tràng Tiền, Giầy Ðông Anh, Bảo Minh, Sứ Hải Dương, Xuất nhập khẩu tổng hợp II, Du lịch khách sạn Kim Liên, Nông - công nghiệp Hà Trung...
SCIC cũng tổ chức Hội nghị chuyên đề liên kết DN kết nối các DN trong cùng một lĩnh vực, hoặc tạo điều kiện để các DN thuộc các lĩnh vực liên quan có thể trao đổi hợp tác với nhau trong chuỗi giá trị của mình. Năm 2017, SCIC đã phối hợp với JICA và PwC cho ra đời “Sổ tay hướng dẫn biểu quyết” và “Bộ quy tắc quản trị DN”, trong đó đưa ra những yêu cầu và hướng dẫn cụ thể cho hoạt động của Hội đồng quản trị như thúc đẩy đối thoại với cổ đông, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, thành viên Hội đồng quản trị độc lập không điều hành, tạo lập và quảng bá văn hóa DN… nhằm hỗ trợ hoạt động quản trị DN một cách bài bản và có hệ thống, hướng tới mục tiêu chuẩn mực, hiện đại, minh bạch.
Thoái vốn hiệu quả, chú trọng hoạt động đầu tư
Sau khi tiếp nhận DN, sau quá trình sắp xếp, phân loại, quản trị, SCIC đã thoái vốn tại 995 DN (trong đó, bán hết 892 DN, bán bớt 84 DN và bán quyền mua tại 19 DN), thu về số tiền trên 47.000 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn là gần 11.100 tỷ đồng.
Số lượng DN thoái vốn lớn đã thể hiện nỗ lực của SCIC trong việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DN, thoái phần lớn danh mục, là những DN thuộc các ngành nghề mà nhà nước không cần nắm giữ. Ðáng chú ý, giá trị thoái vốn của SCIC gấp nhiều lần giá trị tiếp nhận về, phản ánh hiệu quả quản trị doanh nghiệp của SCIC trong việc làm gia tăng giá trị danh mục.
Về lâu dài, SCIC xác định danh mục DN tiếp nhận sẽ ngày càng giảm (do tiến trình bán vốn tại phần lớn các DN). Do đó, để phát triển lâu dài, SCIC sẽ tập trung vào công tác đầu tư. Mặt khác, chính việc giảm bớt số lượng DN sẽ vừa là thách thức, vừa là cơ hội để SCIC tăng cường tính tập trung của danh mục, có cơ hội để tái cấu trúc danh mục đầu tư theo định hướng của mình.
Bước đầu tiên để tái cấu trúc danh mục là phải xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn của SCIC, trong đó xác định các nhóm ngành chiến lược, tỷ trọng từng ngành, từng loại tài sản đảm bảo thỏa mãn tiêu chí về lợi nhuận, khẩu vị rủi ro của SCIC.
Khi danh mục DN đầu tư chủ động nhiều hơn, SCIC sẽ xây dựng tiêu chí độc lập bán/giữ các khoản đầu tư (bên cạnh chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước). Tương tự, SCIC đã và đang xây dựng, hoàn thiện Bộ tiêu chí sàng lọc các khoản đầu tư mới, phù hợp với kỳ vọng và khẩu vị rủi ro của mình, bên cạnh nhiệm vụ đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ.
Từ cuối năm 2018, SCIC đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cùng 18 tập đoàn, tổng công ty khác. Một trong những định hướng của SCIC trong thời gian tới là nghiên cứu cơ hội tham gia đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án có trọng điểm, quy mô lớn, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tìm kiếm cơ hội đầu tư để hợp tác, cùng tham gia triển khai các dự án mà các tập đoàn, tổng công ty đang triển khai hiệu quả...
Theo ông Lê Huy Chí, hiệu quả quản lý (DN và danh mục) trên hết vẫn phụ thuộc vào năng lực của người quản lý. Do đó, trong thời gian tới, SCIC sẽ chú trọng nâng cao trình độ của cán bộ đầu tư, tăng cường đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với các quỹ đầu tư của Chính phủ và các quỹ tư nhân khác để học hỏi về phương pháp, từng bước hiện đại hóa công tác quản trị danh mục theo tiêu chuẩn thị trường.