Vốn ngoại chảy mạnh vào các cuộc IPO xứng tầm
Theo Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh, tái cơ cấu nền kinh tế phải phát huy vai trò của cả nhà nước và thị trường.
Không có đòn bẩy thể chế, chính sách, thì tái cơ cấu kinh tế khó thành công. Bên cạnh đó là vai trò động lực của kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế...
Trên thực tế, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có một trụ cột quan trọng là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã có sự tham gia nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài, nhờ Chính phủ nhất quán theo đuổi mục tiêu bán toàn bộ cổ phần ở những doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực mà nhà nước cần nắm giữ cổ phần.
Sự tham gia tích cực của khối ngoại vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ thể hiện trên phương diện tham gia các thương vụ doanh nghiệp nhà nước chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mà còn trong các thương vụ nhà nước thoái vốn tại các công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ở phương diện thứ nhất, đầu năm nay, khối ngoại đã tham gia nhiều thương vụ IPO lớn. Chẳng hạn, tại phiên IPO 241,5 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), toàn bộ số cổ phần đã được bán hết cho 623 nhà đầu tư với giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cổ phần.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua thành công tới 147,83 triệu cổ phần (tương đương 61,2% số cổ phần chào bán).
Một doanh nghiệp “họ” dầu khí nữa cũng IPO thành công hồi đầu năm nay nhờ yếu tố ngoại là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
Theo đó, toàn hộ hơn 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điệu lệ của Công ty đưa ra IPO đã được bán hết cho nhà đầu tư, với giá trị chào bán xấp xỉ 6.997 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua tới 60% lượng cổ phần đưa ra đấu giá, tương đương 284,44 triệu cổ phần.
Trên khía cạnh nhà nước thoái vốn tại các công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sự tham gia của khối ngoại càng trở nên rõ nét hơn, đặc biệt là khi Chính phủ nhất quán trong việc theo đuổi mục tiêu sẵn sàng bán lượng cổ phần ra bên ngoài, để chuyển vai ông chủ từ nhà nước sang khu vực tư nhân, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những thương vụ thoái vốn hút mạnh khối ngoại tham gia là tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB).
Theo đó, Tập đoàn ThaiBev (Thái Lan) đã bỏ ra lượng vốn kỷ lục - gần 5 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần của SAB vào cuối năm trước.
Sau khi người Thái nắm giữ lượng cổ phần chi phối, ông chủ mới tại SAB đã xuất hiện, khi gần đây dàn lãnh đạo người Việt dần được thay thế bởi những cái tên ngoại.
Cụ thể, ông Koh Poh Tiong, Giám đốc Fraser & Neave kiêm chủ tịch ThaiBev/F&N Beer Group nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT, Người đại diện pháp luật của SAB. Ngoài ra, trong Hội đồng quản trị của SAB còn có hai nhân sự ngoại là ông Michael Chye Hin Fah (quốc tịch Singapore) và ông Pramoad Phornprapha (quốc tịch Thái Lan).
Đó là chưa kể dấu ấn của dòng vốn ngoại đã tích cực nhập cuộc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Chẳng hạn, các tập đoàn của Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy và ANA Holdings Inc, sau khi mua hơn 8% cổ phần và lần lượt trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài tại Petrolimex và Vietnam Airlines, đã cử người tham gia hội đồng quản trị của hai doanh nghiệp đầu ngành này.
Thực tế trên cho thấy, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng đang tạo ra lực hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ nhìn thấy những cơ hội kinh doanh hấp dẫn tại một nền kinh tế trẻ, năng động, còn nhiều tiềm năng phát triển như Việt Nam.
Mặt khác, sự xuất hiện của yếu tố ngoại trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn đang tạo ra sự thay đổi tích cực tại các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa và nhà nước thoái vốn. Bởi nhà đầu tư ngoại không đơn thuần mang lại nguồn vốn, mà còn là chất lượng quản trị, công nghệ, đường hướng kinh doanh mới…
Lực hút từ quyết tâm đổi mới
Định hướng từ Chính phủ cho thấy, quá trình cổ phần hóa và nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa tiếp tục được thúc đẩy, nên sẽ tạo ra lực hút mới với nhà đầu tư ngoại.
Chia sẻ với khoảng 700 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Diễn đàn Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp lần thứ 10 năm 2018 (M&A 2018) do Báo Đầu tư và các đối tác tổ chức mới đây với chủ đề “Bước ngoặt mới - Kỷ nguyên mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh,
Chính phủ kiên trì, nhất quán việc thu hẹp diện doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lần đầu và đốc thúc các doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng cường thông tin cho các nhà đầu tư. Với các công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách cổ phần hóa...
Liên quan đến những cơ hội đầu tư mới chuẩn bị mở ra cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong năm nay, bên cạnh hàng loạt các công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhiều doanh nghiệp như: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam… cũng sẽ cổ phần hóa.
“Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Agribank sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2019. BIDV sẽ bán vốn cho nước ngoài và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn. Chính phủ còn thúc đẩy cơ cấu lại hoạt động của gần 40 công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả bán chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án cụ thể để trình Thủ tướng quyết định”, Phó Thủ tướng cho hay.
Sẽ tạo ra làn sóng đầu tư quy mô lớn hơn tại Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1232/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, Công văn 991/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020.
Đây là dữ liệu quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xây dựng chiến lược thực hiện mua cổ phần, vốn tại các doanh nghiệp mà mình quan tâm.
Bên cạnh đó, hơn 10 hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các khu vực, nền kinh tế khác trên thế giới sẽ tạo ra làn sóng đầu tư, M&A quy mô lớn hơn tại Việt Nam. Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) là cơ hội trực tiếp cho việc thúc đẩy hoạt động M&A.
Hiện tại, Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường hệ thống pháp luật, sắp tới là sửa đổi Luật Chứng khoán…, nhằm bảo đảm khung khổ thể chế kinh tế, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
Rộng cửa hơn cho khu vực tư nhân làm chủ doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, thoái vốn
Cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp liên tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới và đến nay đã tương đối đầy đủ với nhiều điểm mới, đột phá.
Trong đó, một tư tưởng lớn là tại cả hoạt động cổ phần hóa lẫn nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhà nước sẽ không nắm cổ phần ở những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, qua đó rộng cửa hơn cho khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước làm chủ mới tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa và thoái vốn.
Việc cổ phần hóa và thoái vốn với lượng cổ phần chào bán ra công chúng đủ lớn sẽ gia tăng tính hấp dẫn cho các đợt IPO, cũng như thoái vốn sắp tới, qua đó thu hút cổ đông chiến lược trong và ngoài nước tham gia mạnh hơn.
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính