9 tháng, cổ phần hóa 71 DN
Theo đó, về lĩnh vực DNNN, trong 3 năm 2011 - 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN với số cổ phần chào bán giá trị gần 19.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, đã sắp xếp 92 DN, trong đó cổ phần hóa 71 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014, sẽ có khoảng 200 DN thực hiện cổ phần hóa và đến cuối quý III/2015, toàn bộ DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu. Có 81 DN được sắp xếp theo các hình thức khác.
Nhìn chung, vốn của DNNN cơ bản được bảo toàn, năng lực tài chính được bảo đảm. Vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2013 là 959.796 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2012. Giá trị tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2013 đạt 2.387.150 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2010. Thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012, trong khi năm 2011 giảm 8% và năm 2012 giảm 6%. Tỷ suất sinh lời của khối này cơ bản cao hơn khối DN niêm yết. Mặc dù vậy, một số DN do khó khăn về thị trường, năng lực quản lý, vốn chủ sở hữu ít, hoạt động kinh doanh hiệu quả thấp, nên không bảo toàn được vốn.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, việc tái cơ cấu DNNN còn chậm so với yêu cầu, nhất là việc phân bổ lại nguồn lực hiện có. Việc triển khai chủ yếu theo hình thức chuyển giao, sắp xếp, tổ chức lại trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN với nhau.
Đầu tư ngoài ngành đa phần hiệu quả thấp
Kết quả giám sát cho thấy, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tăng qua các năm. Theo báo cáo, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn. Số vốn đã thực hiện thoái vốn trong 7 tháng đầu năm 2014 tăng gấp 3 lần so với con số thực hiện năm 2013.
Cụ thể, năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn 965 tỷ đồng, trong đó, thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng là 734,7 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm 135 tỷ đồng, bất động sản 103,5 tỷ đồng, các quỹ đầu tư 7 tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực chứng khoán đạt 137 tỷ đồng; lĩnh vực ngân hàng 1.898 tỷ đồng; bảo hiểm 150 tỷ đồng; bất động sản 104 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước tại các DN Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần 686 tỷ đồng.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối DNNN đạt mức 34,72% (năm 2009) và đạt 32,4% (năm 2013). Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tương đối ổn định, doanh thu năm 2013 đạt 1.471.018 tỷ đồng, thu nộp Ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng. DNNN tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn lao động.
Tuy nhiên, tiến độ thoái vốn vẫn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư. Phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số khoản đầu tư có giá trị thấp hơn nhiều giá ban đầu nên khó thu hút được các nhà đầu tư khi thực hiện thoái vốn. Bên cạnh đó, vấn đề thực hiện quyền của chủ sở hữu, người đại diện vốn vẫn chưa có nhiều thay đổi. Mối liên hệ giữa người đại diện vốn Nhà nước và chủ sở hữu chưa được quy định cụ thể, chồng chéo giữa chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước, quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Liên quan đến quản trị DN, nhiều nội dung chậm đổi mới, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình của chủ sở hữu.
Sở hữu chéo ngân hàng chậm xử lý
Trong lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã cho biết, hiện có 9 tổ chức tín dụng yếu kém cần sắp xếp chấn chỉnh. Sau hơn 2 năm, đã phê duyệt 8/9 phương án tái cơ cấu. Hầu hết các ngân hàng TMCP được sắp xếp, chấn chỉnh lần này cũng là các ngân hàng đã từng tái cơ cấu 2 lần trước, chỉ khác về quy mô tài sản và tính chất phức tạp hơn.
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hệ thống ngân hàng hiện nay đang phát triển theo mô hình đa năng. Chiến lược kinh doanh (sản phẩm dịch vụ, phân khúc thị trường, phương thức cạnh tranh, khách hàng mục tiêu…) của nhiều ngân hàng khá tương đồng, dẫn đến mức độ cạnh tranh gay gắt; tính đa dạng và chất lượng dịch vụ ngân hàng còn chưa cao. Nhiều rủi ro chưa kiểm soát một cách có hiệu quả, nhất là trong hoạt động đầu tư tài chính. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các ngân hàng thiếu minh bạch, vốn điều lệ không phản ánh đúng thực chất, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống, gây cản trở đến quá trình tái cơ cấu lại.
Tuy nhiên, sở hữu chéo, đầu tư chéo còn chậm xử lý, do năng lực thanh tra, giám sát thị trường tài chính (tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm) còn hạn chế. Chưa có cơ quan giám sát toàn bộ thị trường, nên chưa phát hiện kịp thời những sai phạm trong điều kiện sở hữu chéo phổ biến đối với các chủ sở hữu lớn, cổ đông lớn.
Đầu tư công: kiểm soát chặt chẽ và sử dụng hiệu quả hơn
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, giai đoạn vừa qua, đầu tư toàn xã hội giảm sút, đầu tư nhà nước tăng chậm, nhưng tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tăng. Điều này phản ánh, đầu tư công luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cũng thu được kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đã thu hút gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án. Phân bổ nguồn vốn tập trung hơn; vốn trái phiếu chính phủ hàng năm tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách. Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và bố trí vốn cho từng dự án. Kiên quyết cắt giảm, chỉ bố trí vốn đầu tư đối với những dự án đủ điều kiện về hồ sơ, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Số dự án bố trí không đúng quy định mặc dù vẫn còn, nhưng đã giảm đáng kể qua các năm. Số lượng dự án được bố trí giảm hàng năm đã góp phần tăng số vốn bố trí bình quân cho mỗi dự án.
Giai đoạn 2011 - 2014, Chính phủ đã bố trí kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ theo xu hướng tăng. Năm 2014 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, gấp 2,22 lần so với năm 2011 và năm 2012, gấp 1,67 lần so với năm 2013.
Để sử dụng vốn hiệu quả, Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ, hạn chế khởi công mới, tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang. Do đó, số dự án hoàn thành tăng đáng kể, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản giảm mạnh, tác động tích cực đến tình hình tài chính của các DN xây dựng cơ bản, cung ứng vật tư, góp phần làm nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm.
“Nếu chỉ chạy theo số lượng DN cổ phần hóa coi chừng thất thoát tài sản” Đại biểu Trần Hoàng Ngân Mục tiêu lớn nhất không phải là cổ phần hóa được bao nhiêu DNNN, mà là làm sao để sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công hiệu quả hơn. Bởi có nhiều khu vực vẫn cần sự hiện diện của DNNN như an ninh quốc phòng, khu vực sát biên giới, nhiều rủi ro. Hoặc việc cung cấp thức ăn gia súc, phân bón cần Nhà nước để giữ ổn định cho nông nghiệp, nông thôn. Hay như lưu thông phân phối, giá sản phẩm từ nông thôn lên thành thị tăng lên gấp nhiều lần, cũng cần vai trò DNNN điều tiết. Nếu chỉ chạy theo cổ phần hóa được bao nhiêu DN thì coi chừng thất thoát tài sản. Do đó, điều chúng ta cần là phải có cơ chế quản lý để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hơn 1 triệu tỷ đồng Nhà nước gửi gắm ở DN. Cơ chế giám sát này phải gắn được trách nhiệm của người đại diện vốn, cơ quan quản lý. Trong mô hình quản lý, cũng cần tách bạch cơ quan quản lý với cơ quan đại diện vốn. Chẳng hạn, Bộ Công thương không thể vừa đóng vai trò là chủ sở hữu, vừa là cơ quan ban hành chính sách. Bởi cơ quan quản lý không chỉ lo cho DNNN, mà còn phải lo cho nhiều thành phần kinh tế khác. Tách bạch được 2 vai trò này mới đảm bảo cạnh tranh được minh bạch, rõ ràng, cơ quan quản lý mới đưa ra chính sách phù hợp cho mọi thành phần. Bên cạnh đó, trong quản lý DN, nên có cơ chế để HĐQT, Ban kiểm soát gắn trách nhiệm với quyền lợi, không thể hạn chế tiền lương (chẳng hạn tổng giám đốc lương là 30 triệu đồng), bởi sau cổ phần hóa, DN có thể thuê các chuyên gia nước ngoài làm việc, nên không thể khống chế tiền lương. “Cần bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác” Đại biểu Đoàn Thị Thùy Trang Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN, giải pháp trước tiên là cần thay đổi quan điểm về sự bình đẳng của DNNN với các thành phần kinh tế khác. Tức là không thể để DNNN ỷ lại vào sự bảo hộ của Nhà nước, chiếm ưu thế hơn so với các khu vực khác. Có như vậy, DNNN mới có động lực để đổi mới, phát triển. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi về cách quản trị, tiếp cận quản trị hiện đại, tiên tiến. Chẳng hạn, trong khâu tuyển dụng nhân sự (nhân sự lãnh đạo cấp cao, hay các nhân sự khác trong bộ máy quản lý), không thể tuyển dụng theo kiểu quen biết hoặc “sống lâu lên lão làng”, phải theo cơ chế thị trường, có sàng lọc. |