Tái cơ cấu DNNN, bài toán “tiền đâu”?

Tái cơ cấu DNNN, bài toán “tiền đâu”?

(ĐTCK) “Các DNNN - thành phần chủ đạo của nền kinh tế, tiếp tục thể hiện sự trì trệ, không những chưa tạo động lực lan tỏa cho quá trình phục hồi của các thành phần kinh tế khác, mà phần nào còn cản trở quá trình này”. Đó là đánh giá của bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tái cơ cấu DNNN, bài toán “tiền đâu”? ảnh 1

Trong năm 2014, Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Được và mất

Bình luận về tiến trình tái cơ cấu DNNN hiện nay, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Nhà nước mới tính đến “cái được” sau khi tái cơ cấu, mà chưa tính cụ thể “cái mất” trong quá trình này.

Chính vì vậy, khi triển khai trên thực tế gặp bài toán phải tính đến sự mất mát, trả giá thì người thực thi không được hướng dẫn nên không dám làm. Một ví dụ điển hình là việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành rất chậm do lãnh đạo nhiều DNNN... sợ trách nhiệm.

Ví quá trình tái cơ cấu DNNN như một trận đấm bốc, ông Bá nhấn mạnh, muốn giành được chiến thắng thì phải chấp nhận trả giá. “Phải xác định được sức chịu đựng của các DNNN hiện nay ra sao, sẽ chịu được bao nhiêu “cú đấm” để vượt qua và giành thắng lợi thì mới đẩy nhanh được tiến trình tái cơ cấu DNNN”, ông Bá nói và chỉ ra rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNN sau tái cơ cấu của nhiều bộ, ngành và địa phương chưa cụ thể và thiết thực, dẫn đến sự phục hồi sản xuất - kinh doanh của DN không rõ nét.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới DN của CIEM cho biết, hiệu quả kinh doanh của các DNNN còn hạn chế. Các DNNN, chủ yếu là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tiến hành hoạt động đầu tư dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh, kể cả ra ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.

Để tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, lấy trọng tâm tái cơ cấu là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu DNNN chủ yếu mới biểu hiện ở kết quả xây dựng, phê duyệt đề án, hoặc ở những con số bề nổi.

“Hình thức tái cơ cấu vẫn theo phương cách cũ là: sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao DN, chuyển giao dự án. Kể cả thu hẹp ngành, lĩnh vực kinh doanh cũng bằng cách chuyển giao DN, chuyển giao dự án”, ông Cường nhận xét và cho rằng, hoạt động tái cơ cấu trên thực tiễn tỏ ra đuối tầm, đuối sức so với yêu cầu của tái cơ cấu DNNN.

 

Tái cơ cấu “giá” bao nhiêu?

Mặc dù các bước cải cách DNNN đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng tốc độ còn chậm và hiệu quả thấp. Bà Thu cho rằng: “Năm 2014 là năm “tăng tốc” phát triển để đạt các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Do vậy, dự báo Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách nền kinh tế, mà trọng tâm là phát triển DN. Bên cạnh “cú hích” gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài, cộng thêm đẩy mạnh cải cách DNNN sẽ phá vỡ vòng bó buộc và tạo đột biến cho DN trong nước tăng sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Cụ thể hơn, ông Cường chỉ ra rằng, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang là điểm nghẽn, cần tháo gỡ mới có thể thúc đẩy tái cơ cấu DNNN.

Cơ hội để tháo điểm nghẽn lớn nhất cho DNNN khi thoái vốn có thể sẽ được mở ra trong năm 2014 khi Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội cho phép DNNN được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá. 

Cũng theo ông Cường, cổ phần hoá DNNN đang là thách thức không dễ vượt qua. Trong 2 năm 2014 - 2015, theo kế hoạch Chính phủ đặt ra là hoàn thành cổ phần hoá khoảng 500 DNNN, trong đó chủ yếu là các DN quy mô lớn, các tập đoàn, tổng công ty, DN công ích.

Hơn nữa, cổ phần hoá phải bảo đảm nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước, không được thoái vốn nhà nước dưới mệnh giá. Đây là các hoạt động không dễ thực hiện khi TTCK chưa hồi phục bền vững.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, trong các đề án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, chưa thấy đơn vị nào nhắc tới chi phí tái cơ cấu. Trong phân bổ ngân sách nhà nước năm 2014, không có khoản nào dành để chi cho công tác tái cơ cấu.

“Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến trình cải cách khu vực DNNN diễn ra chậm chạp”, ông Thiên nói và cho rằng, cần phải có đáp án cho câu hỏi, chi phí tái cơ cấu hết bao nhiêu, lấy từ nguồn vốn nào, cơ chế thu xếp vốn thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề nguồn vốn cho công tác này.                                     

>>Doanh nghiệp nhà nước dễ tìm vốn dù làm ăn kém

>>“Sẽ cho phá sản doanh nghiệp nhà nước không có triển vọng”