Dưới góc độ doanh nghiệp, ông có cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chứ chưa chủ động tái cơ cấu trong năm 2013?
Theo tôi, từng doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tự tái cơ cấu, chứ đừng trông chờ vào Nhà nước. Cụ thể, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tự rà soát nguồn lực tài chính, nhân sự, công nghệ, thiết bị, máy móc, khách hàng, thị trường, đối tác, ngành nghề kinh doanh để cân đối lại, từ đó xác định mục tiêu trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong quá trình tái cơ cấu, doanh nghiệp phải biết năng lực cạnh tranh của mình đang đứng ở đâu trên thị trường để quyết định phân bổ nguồn lực vào đâu, ưu tiên cho lĩnh vực nào, sản phẩm nào, thị trường nào…
Tóm lại, trong quá trình tái cơ cấu, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ động và phải ý thức được rằng, muốn tồn tại và phát triển, thì đừng quá trông chờ vào bên ngoài, đừng ỷ lại vào Nhà nước.
Trong lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp trong nước “yếm thế” so với doanh nghiệp nước ngoài, do vậy, nếu để tự tái cơ cấu thì doanh nghiệp nội địa ngày càng bị thu hẹp thị phần, thưa ông?
Đúng là so với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, như Big C, Metro Cash & Carry, Lotte Mart, Takashimaya, Aeon…, thì doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé về vốn liếng, công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm.
Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hoặc đang có ý định đầu tư vào Việt Nam đều đã có vị trí vững chắc trên thị trường, có thương hiệu, có tiềm lực tài chính rất mạnh, nên khi đầu tư vào một điểm bán lẻ mới, họ chấp nhận lỗ, sẵn sàng lấy lợi nhuận ở thị trường cũ, điểm bán lẻ cũ để gánh lỗ cho thị trường mới mở, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể chấp nhận lỗ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, theo tôi, doanh nghiệp nội địa không phải là không có cách để thâm nhập và mở rộng thị trường.
Từ thực tế ở Saigon Co.opmart, ông có thể cho biết, cách thức để doanh nghiệp bán lẻ nội địa thâm nhập và mở rộng thị trường?
Mặc dù là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng chúng tôi luôn xác định, so với doanh nghiệp nước ngoài, Saigon Co.opmart còn rất lép vế trên mọi phương diện. Chính vì vậy, chúng tôi không đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực khác. Thậm chí, ngay cả với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bán lẻ, chúng tôi cũng không đầu tư dàn trải nhằm tránh phân tán nguồn lực.
Trước mắt, chúng tôi cố gắng giữ thị phần ở những địa bàn đã khẳng định được vị thế. Trước khi quyết định đặt chân đến “lãnh địa” mới, Saigon Co.opmart bao giờ cũng khảo sát, nghiên cứu quy mô dân cư, sức mua của người dân, thu nhập bình quân đầu người, các đối thủ mà mình phải cạnh tranh…
Thị trường bán lẻ Việt Nam đúng là đang cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đầu tư tại vùng lõi trong các đô thị, chính vì vậy, để tồn tại, Saigon Co.opmart thường chọn khu vực xa trung tâm chính.
Tái cơ cấu thực chất là phân bổ lại nguồn lực. Vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp phải biết phân bổ nguồn lực vào lĩnh vực nào, thị trường nào, phân bổ bao nhiêu, phân bổ như thế nào, phân bổ vào thời điểm nào… Nguồn lực có hạn và rất nhỏ so với nhiều đối thủ khác, nếu doanh nghiệp đối đầu trực tiếp, thì nguy cơ thất bại rất cao.
Tất nhiên là doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, nhưng nếu không có định hướng từ phía Nhà nước, thì tiến trình tái cơ cấu chẳng khác gì đi biển mà không có la bàn?
Đúng vậy. Vì thế, một mặt, doanh nghiệp phải chủ động; mặt khác, cần phải có sự định hướng và hỗ trợ thiết thực của Nhà nước trong việc hoạch định và ban hành chính sách vĩ mô lẫn các chính sách hỗ trợ thiết thực khác.
Ngoài quy hoạch, chiến lược phát triển, Nhà nước còn cần ban hành chính sách ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào những thị trường mà Nhà nước cần phát triển. Chẳng hạn, Nhà nước muốn phát triển thị trường bán lẻ tại đô thị nhỏ, thị trường nông thôn, thì phải có chính sách ưu đãi về thuế suất, mặt bằng, vị trí mở cửa hàng hoặc siêu thị… để thu hút đầu tư.