Việc lựa chọn sử dụng xe điện và bất động sản xanh đã phản ánh nhận thức về việc sống xanh đang tăng lên...

Việc lựa chọn sử dụng xe điện và bất động sản xanh đã phản ánh nhận thức về việc sống xanh đang tăng lên...

Tài chính xanh: Nền tảng cho một tương lai bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo "Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN" năm 2021 của UOB, 58% số người tham gia khảo sát trong khu vực ASEAN cho biết có động lực để họ chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm mang tính bền vững (tiêu dùng xanh).

Những giọt nước làm nên biển lớn

Người tiêu dùng đang chủ động hướng tới lối sống xanh. Trong khu vực ASEAN, hơn 9 trên 10 người (91%) nói rằng họ muốn có nhiều phương thức đầu tư và tài chính bền vững hơn. Ở Việt Nam có tỷ lệ khá tương tự, với khoảng gần 9 trên 10 người (87%) đồng ý rằng đầu tư bền vững sẽ trở nên phổ biến hơn trong 3 - 5 năm tới. Người tiêu dùng dần nhận ra những lựa chọn hàng ngày của họ từ nơi sống và cách di chuyển, đến những khoảng đầu tư sẽ tạo ra sự khác biệt cho môi trường.

Cùng với sự thay đổi trong thái độ và hành vi người tiêu dùng, ngân hàng đang từng bước thể hiện vai trò của mình trong sự dịch chuyển hướng đến một tương lai bền vững hơn. Nhiều định chế tài chính đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh ở Việt Nam, như UOB, HSBC, Standard Chartered Bank là những doanh nghiệp tiên phong ở lĩnh vực này.

Tháng 11/2021, Ngân hàng UOB Việt Nam đã hợp tác với CTCP Phát triển Phú Mỹ Hưng mang đến cho các khách hàng phương án vay ưu đãi nếu mua một căn hộ tại Cardinal Court - một trong những tòa nhà xanh đang được xây dựng tại Việt Nam. Dự án được cấp giấy chứng nhận công trình xanh EDGE vào tháng 3/2021. Toàn bộ vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nước của tòa nhà đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí thân thiện với môi trường. Trong tháng này, UOB cũng tung ra gói vay mua xe ưu đãi dành cho khách hàng mua xe điện hoặc xe hybrid.

Việc lựa chọn sử dụng xe điện và bất động sản xanh đã phản ánh nhận thức về việc sống xanh đang tăng lên, và người Việt Nam cũng có xu hướng ủng hộ các tổ chức cung cấp giải pháp tài chính hoặc đầu tư mang tính bền vững.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, việc sử dụng điện như một nguồn năng lượng cho hoạt động đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải các-bon ở các lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đây chính là chìa khóa giúp chúng ta dần thay thế nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm phát thải trong vận tải đường bộ và trong nhiều hoạt động công nghiệp.

Giúp doanh nghiệp phát triển một cách có trách nhiệm

Ngoài việc đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng, các giải pháp xanh còn giúp các doanh nghiệp phát triển thịnh vượng hơn. Hơn 8 trên 10 người Việt Nam (83%) cảm thấy rằng, các công ty áp dụng các giải pháp bền vững có khả năng hoạt động kinh doanh lâu dài và mang lại giá trị dài hạn cho các bên liên quan, nhân viên và cộng đồng.

Đầu năm 2021, UOB Việt Nam đã cung cấp khoản tín dụng xanh theo khuôn khổ Chương trình Tài chính Bền Vững Thành phố Thông Minh cho hai công ty địa phương là ATAD và Phan Vũ Investment (PVI).

ATAD là công ty kết cấu thép hàng đầu Đông Nam Á, trong khi PVI là nhà thầu cung cấp cọc bê tông chuyên nghiệp. Cả hai công ty đã sử dụng số tiền vay được để xây dựng và vận hành các hệ thống quang điện mặt trời trên mái nhà máy của họ.

Với sự hỗ trợ của UOB, các tấm pin mặt trời của hai công ty sẽ tạo ra hơn 18.600 megawatt giờ điện mỗi năm. Con số này tương đương với việc giảm 8.420 tấn carbon dioxide, hoặc khí thải của 1.800 chiếc xe hơi mỗi năm. ATAD và PVI cũng có thể bán lượng điện dư thừa mà các tấm pin mặt trời của họ tạo ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và dùng số tiền đó thay cho việc trả tiền điện.

Gần đây, HSBC Việt Nam tiếp tục mở rộng chiến lược bền vững của mình trong ngành sản xuất giấy với khoản tín dụng thương mại xanh dành cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DOHACO). Đây là một bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của ngân hàng trong việc hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030.

Còn Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cung cấp tín dụng tài trợ thương mại liên kết bền vững với hạn mức trị giá 13,5 triệu USD cho Công ty TNHH Sản phẩm Giấy Leo (Việt Nam) nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn lưu động của công ty. Phía Leo Việt Nam cam kết sẽ giảm khối lượng chất thải nguy hại và tổng cường độ chất thải xuống mức cam kết trong khoảng thời gian nhất định. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam sẽ mang đến những ưu đãi về tài chính cho Leo Việt Nam nếu công ty đạt được các mục tiêu thực thi bền vững đề ra.

Tài chính xanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng

Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 năm ngoái là một bước tiến mang tính lịch sử trong chiến lược chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và được bạn bè quốc tế hoan nghênh. Việt Nam đề ra quyết tâm đạt mục tiêu phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050 và nhất trí tham gia cam kết từng bước từ bỏ điện than vào thập niên 2040 (hoặc sớm nhất có thể sau thời điểm này).

Cam kết này sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững hơn. Kể từ sau khi đưa ra cam kết, Chính phủ đã lên nhiều kế hoạch nhằm tăng tốc tiến độ “xanh hóa Việt Nam”. Ví dụ như, Bộ Công thương đã phát triển một kế hoạch hành động tập trung vào ba nhiệm vụ chính: kiểm soát phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng than thành năng lượng sạch và khuyến khích phát triển ô tô điện.

Ngân hàng Nhà nước cũng rất nỗ lực để phát triển tài chính xanh. Trong đó, tháng 10/2021, cơ quan này đã triển khai lấy ý kiến của các tổ chức tài chính về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khi Thông tư được ban hành, các ngân hàng phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về Ngân hàng Nhà nước, tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho tài chính xanh ở Việt Nam.

Đến năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh...

Khi các ngân hàng đồng hành cùng các chính phủ trong khu vực trên hành trình xanh này, một nghiên cứu của Bain and Company ước tính rằng nền kinh tế xanh của khu vực Đông Nam Á có thể mang lại những cơ hội hàng năm trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Các tổ chức tài chính sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ thích ứng với khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

"UOB giúp các doanh nghiệp phát triển một cách có trách nhiệm bằng cách đảm bảo tài chính gắn liền với những kết quả có tính bền vững. Chúng tôi là một mắt xích quan trọng trong việc hướng đến một tương lai xanh hơn cho thế hệ mai sau của Việt Nam", một lãnh đạo cao cấp UOB cho biết.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Giám đốc điều hành Khối khách hàng Thương mại, Doanh nghiệp và Định chế tài chính, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững là một phần trong cam kết mạnh mẽ của chúng tôi. Mục tiêu nhằm đáp ứng mục tiêu về bền vững ngày càng gia tăng của khách hàng thông qua các giải pháp tài chính bền vững sáng tạo của Ngân hàng. Chúng tôi cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với khách hàng và các đối tác nhằm cung cấp tài chính tại nơi cần thiết nhất.”

Tin bài liên quan