Ông Kyle Kelhofer
Theo ông, liệu 2017 có phải là một năm thành công của hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Tôi xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước vì những thành quả đã đạt được trong năm 2017 như tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối và GDP, đi kèm với đó là một số hạn chế đã dần được khắc phục. Với các điều kiện nền tảng được cải thiện, tương lai của nền kinh tế sẽ trở nên tích cực hơn. Đây cũng là điều kiện để hệ thống ngân hàng vận hành trơn tru, ít gặp rủi ro.
Hiện tại, hệ thống ngân hàng đang nhận được nhiều lực đỡ, trong đó có thể kể tới việc dòng vốn ngoại vẫn đang được rót vào khu vực này. Riêng IFC và các đối tác đã cấp 300 triệu USD vốn dài hạn trong năm tài chính 2017 để hỗ trợ các ngân hàng trong nước mở rộng cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy vậy, các thách thức vẫn còn hiện hữu và có thể gia tăng theo thời gian, mà theo tôi, một trong những trở ngại là việc huy động nguồn tài chính bổ sung khi khả năng chi trả dài hạn đang đến gần.
Năm ngoái, IFC đã hỗ trợ vốn cho một số ngân hàng ở Việt Nam và năm nay sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ. Điều này cho thấy, IFC rất lạc quan về hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Thực tế, chúng tôi thường có cái nhìn tích cực về hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, IFC đang đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm ngân hàng, nông nghiệp, sản xuất chế tạo và luôn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Điều này cho thấy, chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam.
Nếu nhìn vào danh sách khoảng 30 nền kinh tế mới nổi đang có những nỗ lực để phát triển tài chính xanh, Việt Nam đang đứng trong Top đầu
Ngoài các ngân hàng đã được IFC hỗ trợ vốn vào năm 2017, năm nay, tôi hy vọng danh sách này sẽ có thêm một số ngân hàng khác. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh hơn, các yêu cầu đối với hệ thống ngân hàng cũng cao hơn. Điều này sẽ tạo áp lực buộc các ngân hàng phải nỗ lực hơn nữa. Theo đó, IFC kỳ vọng sẽ có cơ hội hỗ trợ cho các nhà băng tại Việt Nam.
Ông đã nói nhiều về hiệu quả mở rộng tài chính xanh của Việt Nam. Vậy lợi ích sẽ là gì, nhất là khi tài chính xanh đang là vấn đề nóng trong khu vực?
Sự bùng nổ của tài chính xanh sẽ làm thay đổi cả khu vực nhà nước và tư nhân, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Theo tôi, đây là cơ hội lớn cho các ngân hàng, không chỉ riêng khách hàng của các nhà băng, bởi tài chính xanh sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các bên. Thực tế, có nhiều dòng vốn nước ngoài thực sự muốn đầu tư vào các công cụ tài chính xanh ở Việt Nam.
Ông có nghĩ rằng đang có một sự đối nghịch khi Việt Nam muốn giới thiệu tài chính xanh trong khi bản thân vẫn đang theo đuổi chính sách năng lượng không tái tạo?
Tôi nghĩ Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và với giá bán điện năng (feed-in tariff) cùng những dự án điện mặt trời nhỏ được đưa vào hoạt động, Việt Nam đang tiến gần tới kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, người dân đang trở nên có ý thức cao hơn về vấn đề xanh hóa, phát triển bền vững và có nhu cầu cao với việc sử dụng năng lượng xanh.
Ông đánh giá như thế nào về tài chính xanh tại Việt Nam và những chính sách thúc đẩy tài chính xanh hiện tại?
Tôi nghĩ, Việt Nam nên được chúc mừng vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy tài chính xanh. Nếu nhìn vào danh sách khoảng 30 nền kinh tế mới nổi đang có những nỗ lực để phát triển tài chính xanh, Việt Nam đang đứng trong Top đầu.
Theo đó, nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Với Chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và các nhà băng nói chung đã có bước tiến xa hơn trong nỗ lực phổ biến tài chính xanh tại Việt Nam.
Trong tương quan với các nước đang phát triển khác, quá trình theo đuổi tài chính xanh tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra nhanh hay chậm, theo ông?
Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững do Mạng lưới Ngân hàng Bền vững (SBN) thực hiện với sự hỗ trợ của IFC cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, cùng với Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Mông Cổ ở châu Á. Các chính sách ở 5 quốc gia này yêu cầu các ngân hàng đánh giá và báo cáo các rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay của họ và đưa ra các ưu đãi về thị trường cho các ngân hàng cho vay dự án xanh.
Cụ thể, Việt Nam đã có bước khởi đầu tốt đẹp thông qua Chỉ thị về tăng cường tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong các hoạt động tín dụng vào năm 2015 và Quyết định 1552 về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Trong một môi trường mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều ưu tiên cần tập trung, nỗ lực của họ về tài chính xanh nên được ghi nhận.
Ông có cho rằng, tầm nhìn của người lãnh đạo sẽ có ảnh hưởng đến sự thành công của việc áp dụng tài chính xanh?
Tại nhiều quốc gia và trong nhiều lĩnh vực, “xanh” là một triết lý tạo cảm hứng, là động lực tích cực đối với người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động vì sự phát triển bền vững, chẳng hạn lắp đặt những tấm thu nhiệt mặt trời trên mái nhà, trồng thêm cây xanh, khai thác nước sạch từ nguồn tái tạo. Có rất nhiều lĩnh vực có thể áp dụng các chuẩn mực xanh và ngân hàng không là ngoại lệ.
Theo tôi, tại mọi lĩnh vực, những doanh nghiệp có áp dụng các biện pháp tăng trưởng xanh đều cho thấy đó là công ty có tầm nhìn tốt. Theo thống kê, những khoản nợ hay những doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực về môi trường và xã hội hay các chuẩn mực xanh thường là những khoản nợ hay doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt. Đối với các nhà băng cũng vậy, việc ứng dụng tài chính xanh thể hiện tầm nhìn của những người đứng đầu và với cái nhìn thức thời này, sự tăng trưởng của ngân hàng trong tương lai được đảm bảo hơn.
Có một vấn đề là phạm vi hoạt động tài chính chịu tác động bởi các chính sách ngân hàng bền vững chỉ giới hạn trong tài chính dự án và tài chính doanh nghiệp ở Việt Nam. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Đúng là các chính sách mới bắt đầu bằng tài trợ dự án và tài chính doanh nghiệp - chủ yếu là với ngành ngân hàng. Khi thị trường vốn của Việt Nam tiếp tục phát triển, chúng ta sẽ thấy nhiều sáng kiến xanh hơn trong thị trường năng động này.
Đến nay, việc đưa ra báo cáo về việc thực hiện các mặt Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty (ESG) ngoài báo cáo tài chính cho các công ty niêm yết là một thành tựu khá khả quan, khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường vốn.
Đến thời điểm phát hành trái phiếu xanh, báo cáo ESG sẽ cần phức tạp và chi tiết hơn. Trái phiếu xanh, hiểu một cách đơn giản nhất là bất kỳ công ty hay ngân hàng nào có dự án hoặc tập hợp các tài sản liên quan đến bảo vệ môi trường có thể bán trái phiếu - số tiền thu được từ đó được chi cho những tài sản đóng dấu xanh.