Đây là vấn đề được đề cập xuyên suốt không chỉ trong khuôn khổ buổi Họp báo công bố sự kiện Banking Vietnam 2017 chiều ngày 15/5 tại Hà Nội, mà sẽ còn được trao đổi tiếp trong hai ngày 18 và 19/5 diễn ra sự kiện công nghệ ngân hàng thường niên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức tại TP. HCM.
Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối vơi người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Chia sẻ tại buổi Họp báo Banking Vietnam tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối vơi người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Nhóm các nước G20 đều rất chú trọng đến việc hỗ trợ và thúc đẩy các quốc gia thực thi các giải pháp để đạt được mục tiêu về tài chính toàn diện. Đã có 55 nước đưa ra cam kết về thực thi tài chính toàn diện, hơn 30 nước ban hành hoặc đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện”, bà Hòa nói.
Đứng trước xu hướng chung đó, bà Hòa đặt vấn đề: “Việt Nam cần có quan điểm và định hướng như thế nào về tài chính toàn diện? Cùng với đó là xây dựng các giải pháp gì để đạt được mục tiêu này? Nhất là trong bối cảnh công nghệ số đang tạo nên những thay đổi nhanh chóng trong các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động tài chính nói riêng, từ đó mang lại nhiều cơ hội để thực thi tài chính toàn diện nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, với chi phí thấp hơn. Việt Nam có thể làm gì để sử dụng cơ hội này?”.
Tại Việt Nam, thông tin từ NHNN cho biết, đã có sự gia tăng đáng kể trong số lượng người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức, từ 21,3% năm 2012 lên 30,9% năm 2014, tuy nhiên, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức tại Việt Nam vẫn thấp so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc là 78% và Thái Lan là 79%.
Thực tế cho thấy, việc tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, đô thị còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng còn rất hạn chế.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Gấm, Agribank cho biết, với hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại là rất hạn chế.
“Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (chiếm khoảng 28%) nhưng chủ yếu do hệ thống Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân, một số ngân hàng thương mại nhà nước còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn còn e ngại. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%”, bà Gấm cho biết.
Bà Tô Thị Diệu Loan, LienVietPostBank nhận định, con đường để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện còn rất xa, nhưng thực tế triển khai tài chính ở Ấn Độ có thể thấy, tài chính số là xu hướng phát triển tất yếu để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện.
Theo đó, Chính phủ cần có chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử và xác định vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia đối với phát triển thị trường.
Ban hành quy định các chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản và dữ liệu.
“Có chính sách đầu tư vốn, công nghệ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng hệ thống pháp lý quy định số hóa dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin cho trung tâm dữ liệu”, bà Loan cho biết.
Về phía các ngân hàng thương mại, bà Loan cũng cho rằng, sự phát triển của tài chính số sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh, do vậy, các ngân hàng thương mại cũng cần nhanh chóng tiếp cận và áp dụng các công nghệ tài chính số như các ứng dụng di động, dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Chủ động đầu tư vốn, nâng cấp hạ tầng công nghệ của ngân hàng tương thích với nền tảng tài chính số, đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp.
“Nghiên cứu hợp tác với các tổ chức tài chính/phi tài chính xây dựng hệ thống ngân hàng đại lý nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, bà Loan nhấn mạnh.