Tài chính tiêu dùng vượt qua “bước gãy”

Tài chính tiêu dùng vượt qua “bước gãy”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023 đánh dấu một “bước gãy” trong xu hướng tăng trưởng tài chính tiêu dùng và tiếp tục kéo dài sang nửa đầu năm 2024.

Bà Trần Kiều Oanh - Trưởng phòng Phân tích dịch vụ tài chính, FiinGroup cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng phục hồi rõ rệt hơn từ nửa sau năm 2024 nhờ các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô, bao gồm sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu đã cải thiện chất lượng và nhu cầu tín dụng.

Đặc biệt, sự biến chuyển này còn đến từ việc đẩy mạnh số hóa, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.

“Sau giai đoạn khó khăn tác động bởi dịch Covid-19 và biến động kinh tế vĩ mô ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, từ quý III/2024, Việt Nam bắt đầu ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và dự báo tăng trưởng GDP của năm 2024 đạt 6,1% nhờ sự gia tăng của hoạt động xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Theo đó, tín dụng tiêu dùng dự báo sẽ có sự bứt tốc trong quý IV/2024”, ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói.

Thực tế, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 11/2024 đạt 50,8 điểm - dù giảm nhẹ so với mức 51,2 điểm của tháng 10, nhưng vẫn đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp cải thiện điều kiện kinh doanh.

Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, điểm đáng khích lệ là Chính phủ đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhiều lĩnh vực trong nước.

Cụ thể, việc cắt giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ được kéo dài đến cuối năm 2024, trong khi các sắc luật mới điều chỉnh lĩnh vực bất động sản có hiệu lực sớm sẽ góp phần củng cố triển vọng cho thị trường này.

Chính sách tài khóa và tiền tệ có khả năng sẽ vẫn mang tính thích ứng để giúp tăng tốc quá trình phục hồi kinh tế, nhằm đưa Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế Chính phủ đã đề ra cho năm 2024, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2025.

Dẫn chứng cho việc áp dụng công nghệ vào hoạt động, ông Hồ Minh Tâm - Tổng giám đốc VietCredit cho biết, đó là Open API giúp cải thiện trải nghiệm người dùng. Khách hàng có thể truy cập nhiều dịch vụ tài chính thông qua một nền tảng duy nhất.

Chẳng hạn, EVN Finance đã sử dụng Open API để tích hợp dịch vụ cho vay tiền mặt vào nền tảng ví điện tử MoMo.

Thông qua mô hình này, người dùng MoMo có thể tiếp cận và lựa chọn sản phẩm vay tiền mặt ngay khi sử dụng các dịch vụ của MoMo với quy trình đăng ký nhanh chóng và tiện lợi.

“Việc tích hợp Open API đã giúp EVN Finance mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng trực tuyến và tăng cường tính tương tác giữa dịch vụ tài chính và ví điện tử. Tương tự, Mcredit hay Cake cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt trên nền tảng Viettel Money”, ông Tâm cho hay.

Còn tại Home Credit Việt Nam, thông qua việc đầu tư vào AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data (dữ liệu lớn), doanh nghiệp này đã số hóa toàn bộ quy trình vay vốn, từ đăng ký, phê duyệt đến hỗ trợ khách hàng. Ứng dụng di động Home App của Home Credit Việt Nam cũng được nâng cấp để mang tới trải nghiệm mượt mà, từ duyệt vay tức thì đến chatbot hỗ trợ 24/7.

Bên cạnh đó, Home Credit Việt Nam còn tích cực hợp tác với các sàn thương mại điện tử và nhà bán lẻ để xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện. Điều này không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, mà còn mang lại trải nghiệm liền mạch, từ ngoại tuyến đến trực tuyến.

Tổng giám đốc Home Credit Pham Ngoc Khang tin rằng, lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang bước vào một giai đoạn mới - ghi nhận sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi hành vi tiêu dùng và các chính sách mới đang được định hình.

Với FE Credit, sau 2 năm liên tiếp báo lỗ lên đến nghìn tỷ, doanh nghiệp này đã ghi nhận 270 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2024 - mức cao nhất theo quý kể từ quý II/2022. Trước đó, Home Credit cho biết, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 474 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 375 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Về dài hạn, thị trường tài chính tiêu dùng có nhiều dư địa phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt hơn 10% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Hàn Quốc (hơn 40%), Hồng Kông - Trung Quốc (hơn 20%)...

“Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ tỷ lệ thâm nhập thấp so với các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ người vay mới, chủ yếu là Gen Z - những người sẽ nhìn nhận các sản phẩm tài chính tiêu dùng như một lựa chọn thanh toán, thay vì món nợ”, bà Kiều Oanh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan