Dân số đông, độ tuổi trung bình trẻ, lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng tăng trưởng

Dân số đông, độ tuổi trung bình trẻ, lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng tăng trưởng

Tài chính tiêu dùng hấp dẫn vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mảng tín dụng tiêu dùng Việt Nam có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại chi lớn để sở hữu công ty tài chính tốp đầu trong nước.

Hai thương vụ ngàn tỷ

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết, SHB và đối tác Krungsri đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng trong thương vụ bán SHB Finance. Dự kiến, trong tháng 5/2023, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ, 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau.

Ông Hiển không tiết lộ con số cụ thể, nhưng “gợi ý” về mức giá đối tác trả cho việc sở hữu SHB Finance được truyền thông quốc tế dự đoán là khoảng 156 triệu USD (xấp xỉ 3.500 tỷ đồng). Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản.

SHB bán SHB Finance là thương vụ thoái vốn lớn thứ hai trong khối công ty tài chính Việt Nam, sau thương vụ VPBank bán vốn cho đối tác Nhật Bản. Đầu năm 2022, VPBank công bố bán 49% vốn FE Credit cho SMBCCF, công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Nhật Bản cũng như châu Á, trực thuộc SMBC. Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ, nhưng thời điểm đó, theo PwC - đơn vị tư vấn cho SMBC, con số lên tới 1,4 tỷ USD.

Ông Jun Ohta, Tổng giám đốc SMBC chia sẻ, Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm của Tập đoàn. Thương vụ mua 49% vốn điều lệ FE Credit không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của công ty tài chính này, mà còn là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Tính đến nay, các công ty tài chính đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận vốn vay, với dư nợ bình quân 35 - 50 triệu đồng/người.

Trong khi đó, lãnh đạo VPBank kỳ vọng, kinh nghiệm của SMBCCF tại Nhật Bản cũng như các nước đang phát triển trong khu vực châu Á sẽ đóng góp tích cực vào hiệu quả hoạt động, tăng trưởng bền vững, chinh phục những tầm cao mới trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

FE Credit tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng thuộc VPBank. Năm 2015, VPBank chuyển hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới với thương hiệu FE Credit. Hiện FE Credit là công ty tài chính có quy mô cho vay lớn nhất trên thị trường tín dụng tiêu dùng, dư nợ cuối năm 2022 đạt hơn 75.000 tỷ đồng. Mặc dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức âm trong năm 2022 do kinh tế khó khăn tác động lên tín dụng tiêu dùng và phải trích lập dự phòng lớn, song theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB, FE Credit sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2023, khi hoạt động xử lý nợ xấu đã và đang được ráo riết thực hiện.

Nhìn chung, các ngân hàng Việt Nam vẫn đang có xu hướng bán mảng tín dụng tiêu dùng cho các đối tác ngoại sau khi xây dựng mạng lưới rộng khắp, đồng thời có được giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù này - điều mà các ngân hàng ngoại rất khó thực hiện. Trước đó, Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) mua 49% vốn điều lệ HD Saison (thuộc HDBank), Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) mua 49% vốn điều lệ Mcredit (thuộc MB), Lotte Finance (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần Techcom Finance (thuộc Techcombank)...

Việc các ngân hàng thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, mà còn nhằm tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi cũng như hạn chế tình trạng “giẫm chân” nhau, bởi không ít nhà băng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ, bao quát khách hàng hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, hoặc đang phát triển riêng biệt mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Krungsri đến từ xứ sở Chùa Vàng và tình cờ có màu sắc thương hiệu khá trùng hợp với SHB

Krungsri đến từ xứ sở Chùa Vàng và tình cờ có màu sắc thương hiệu khá trùng hợp với SHB

Hoạt động M&A dự kiến tiếp tục sôi động

Đầu tháng 3/2023, UOB thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết, thương vụ mua lại mảng tiêu dùng của Citigroup là một phần trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh bán lẻ của UOB tại ASEAN, bên ngoài thị trường mẹ là Singapore.

“Sau khi hoàn tất, thương vụ sẽ giúp mở rộng mạng lưới đối tác của UOB, đồng thời dự kiến sẽ tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ của UOB tại 4 thị trường và kết nạp thêm 5.000 nhân sự vào đội ngũ nhân lực của Ngân hàng, đẩy nhanh mục tiêu phát triển cơ sở khách hàng lên trước 5 năm. Riêng tại thị trường Việt Nam, việc sáp nhập sẽ giúp UOB tăng gấp đôi dư nợ cho vay và tiền gửi bán lẻ, tăng gấp ba cơ sở khách hàng bán lẻ và mang lại cho chúng tôi đầy đủ bộ sản phẩm cho vay tín chấp bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay tín chấp cá nhân, bổ sung vào các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô hiện có”, ông Victo Ngo chia sẻ.

MSB từng đàm phán thành công việc chuyển nhượng 50% vốn của Công ty tài chính FCCOM, nhưng cuối cùng thì thương vụ lại bất thành.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông năm ngoái, MSB cho hay, Ngân hàng đã làm việc với một đối tác Nhật Bản, ký kết ghi nhớ giai đoạn đầu về thương vụ mua lại FCCOM, giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Sau đó, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nợ xấu phát sinh nhiều, nên đối tác xem xét lại việc mua FCCOM.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, Ngân hàng đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư ngoại về việc chuyển nhượng FCCOM. Tuy nhiên, để đảm bảo bảo lợi ích cho cổ đông, Ban lãnh đạo MSB nghiên cứu lại phương án thoái vốn. Ngân hàng có định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên thị trường tài chính tiêu dùng hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động; gần 80% thị phần do ba đơn vị là FE Credit, Home Credit và HD Saison nắm giữ. Nhiều phân tích cho thấy, với việc tham gia thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài như Lotte, Shinsei, Shinhan, Krungsri…, thì trong vòng vài năm tới, “miếng bánh” thị phần tài chính tiêu dùng sẽ có sự chuyển dịch. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, nhưng kéo theo những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, cơ chế lãi suất… nhằm giành thị phần.

Tin bài liên quan