Đại dịch đã đột ngột ảnh hưởng nặng nề đến những thành tựu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam. Tác động của đại dịch đến các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân là đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, do kịp thời chuyển hướng chiến lược đối phó linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch, cùng với việc triển khai chiến lược tiêm chủng bao phủ nhanh chóng và hiệu quả, những dấu hiệu tích cực trong phục hồi kinh tế đã xuất hiện. Nền kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch.
Mới đây, trong báo cáo Triển vọng phát triển kinh tế châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Khu vực Đông Nam Á và thế giới đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn đã có tác động tích cực đến quá trình phục hồi ở Việt Nam.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam |
Tại các cuộc hội thảo tham vấn chính sách cấp cao, các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế đều đồng thuận khi phân tích các yếu tố sẽ góp phần vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam, đó là: (i) sự nhất quán của Chính phủ và quyết tâm cải thiện thể chế (bao gồm cả xây dựng thể chế cho kinh tế số, xã hội số và chính phủ số); (ii) hội nhập quốc tế sâu rộng hơn thể hiện bởi sự tham gia của Việt Nam vào 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; (iii) khu vực tư nhân năng động và tích cực tham gia; (iv) sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trẻ và hiểu biết về công nghệ mang lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường lao động trong việc tận dụng lợi thế chuyển đổi số của đất nước.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu trong quá trình phát triển nền kinh tế số, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số, đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), phát triển nền tảng kỹ thuật số và tăng cường an ninh mạng.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek và Bain & Company (2020) và sử dụng một định nghĩa hẹp về nền kinh tế số bao gồm lĩnh vực CNTT-TT, các lĩnh vực sản xuất CNTT-TT và kỹ thuật số, cũng như các sản phẩm, dịch vụ số và dựa trên nền tảng số, giá trị của nền kinh tế số của Việt Nam được ước tính vào khoảng 21 tỷ USD, tương đương với 6,1% GDP của Việt Nam trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 29% trong giai đoạn 2016 - 2021, nhanh nhất trong ASEAN.
Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao về số hóa trong các chỉ số toàn cầu phổ biến nhất. Với những tiến bộ kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, cùng với Thái Lan, Indonesia
và Campuchia, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế “đột phá” theo xếp hạng của Chỉ số trí tuệ số của Trường Fletcher. Theo Chỉ số sẵn sàng cho kỹ thuật số toàn cầu của Cisco, Việt Nam được xếp ở giai đoạn "tăng tốc ở mức cao" cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia, cao hơn Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào và Myanmar. Chỉ số kết nối toàn cầu cho thấy Việt Nam thuộc nhóm "ứng dụng", xếp thứ 55 trên 79 quốc gia trên toàn cầu và thứ 5 trong khối ASEAN, trước đó là Singapore (2), Malaysia (34), Thái Lan (46) và Campuchia (54), cao hơn Indonesia (58) và Philippines (59).
Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với những mục tiêu cụ thể là đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng chính phủ số, phấn đấu để kinh tế số có thể đóng góp 30% GDP và Việt Nam được xếp trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới, xếp thứ 3 trong các quốc gia thuộc khối ASEAN.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định (Quyết định 749/QĐ-TTg 2020) phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ưu tiên chuyển đổi số là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Tám lĩnh vực ưu tiên đã được xác định cho kỹ thuật số chuyển đổi bao gồm y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường và sản xuất công nghiệp.
Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, được xúc tác bởi việc tăng cường sử dụng thanh toán trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ cũng như sự bùng nổ trong việc sử dụng điện thoại thông minh. Cả ba phân ngành tài chính - ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm - đều đã áp dụng thành công các công nghệ kỹ thuật số mới trong 5 năm qua.
Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam
Lĩnh vực tài chính - bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm - đóng góp đáng kể cho kinh tế Việt Nam. Được ví như mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là những yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn còn một số bất cập.
Cụ thể, vẫn còn nhiều cá nhân không có quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính. Theo một nghiên cứu trong năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có khoảng 4 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người trưởng thành, ít hơn các nước khác trong ASEAN như Indonesia (15,2), Thái Lan (11,2) và Malaysia (9).
Theo đánh giá của NHNN trong năm 2021, trong khi 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, chỉ một nửa trong số đó được tiếp cận với các dịch vụ tín dụng.
Mặt khác, các tổ chức tài chính tại Việt Nam vẫn dựa vào các tài liệu dạng giấy tờ trong hoạt động của họ. Tài liệu giấy tờ không chỉ tốn kém để lưu trữ, mà còn ở dạng chứng từ in ra, nên đòi hỏi thời gian xử lý dài. Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam, có thể là một phần của giải pháp cho việc không sử dụng giấy tờ trong hoạt động nghiệp vụ.
Khuôn khổ pháp lý
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các ngành công nghiệp đã thực hiện một số đột phá trong việc phát triển một khung pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Một số chính sách và các quy định đã đưa ra một lộ trình và các mục tiêu về sự phát triển của nền kinh tế số. Các chính sách này nhằm khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy áp dụng công nghệ số mới trong các lĩnh vực, xác định phạm vi và các thành phần của nền kinh tế số của Việt Nam và bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng trực tuyến.
Đối với chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các biện pháp khuyến khích nhằm hỗ trợ tài chính số đã và đang được triển khai (Quyết định 749/QĐ-TTg), bao gồm cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng (Nghị định số 58/2021/NĐ-CP); cho phép các ngân hàng sử dụng e-KYC để mở tài khoản thanh toán (Thông tư 16/2020/TT-NHNN); và thực hiện một chương trình thí điểm cho dịch vụ tiền di động hay mobile money (Quyết định số 316/QĐ-TTg) và khung thử nghiệm chính sách và quy định cho các công ty Fintech.
Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, hợp đồng số, định danh và xác thực số, các quy định về việc áp dụng và công nhận giá trị pháp lý khi triển khai công nghệ mới như QR code, blockchain, cơ chế và hệ thống giám sát đối với các công ty Fintech…, tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn cho hệ thống và khách hàng.
Cơ sở hạ tầng và môi trường cho số hóa lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Chính phủ đã chú trọng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại. Kết nối mạng internet ở Việt Nam được đánh giá tương đối tốt. Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có chi phí truy cập internet thấp nhất, số người sử dụng mạng internet đứng thứ ba, đứng thứ hai về tốc độ truy cập và kết nối mạng di động. So với các nền kinh tế khác trong ASEAN, Việt Nam đang dẫn đầu về việc triển khai công nghệ 5G.
Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng đã bắt đầu một số sáng kiến mới có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tìm cách thúc đẩy các sáng kiến như Chương trình khởi nghiệp ASEAN, Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam, khuyến khích thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, Trung tâm Sáng tạo Sài Gòn, và Speed-UP để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với phần còn lại của thế giới.
Theo số liệu của NHNN, vào cuối tháng 6/2021, 95% các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số như thiết lập ngân hàng số thuần túy hoặc số hóa hoạt động kinh doanh, khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR và nhiều doanh nghiệp viễn thông đã tham gia dịch vụ mobile money để phục vụ người dân tại các vùng sâu, vùng xa.
Hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là một cách để các tổ chức tài chính triển khai số hóa nhanh chóng, nâng cao khả năng cạnh tranh và ưu tiên đáp ứng nhu cầu của khách hàng cho các sản phẩm và dịch vụ số. Theo khảo sát của PwC năm 2019, 72% các công ty Fintech của Việt Nam đã tích cực hợp tác với các ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán để tạo ra các mô hình kinh doanh mới cũng như phát triển một loạt dịch vụ tài chính số như tiền di động, cho vay P2P, e-KYC, blockchain và thanh toán số.
Nguồn nhân lực và kỹ năng kỹ thuật số
Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn con người (human capital index) năm 2020 của Việt Nam được xếp thứ hạng cao trong danh mục phát triển con người, xếp thứ 48 trong số 157 quốc gia và đứng thứ hai trong khối ASEAN (sau Singapore). Tỷ lệ lao động được đào tạo trong nước tăng từ 51,6% trong năm 2015 lên khoảng 64,5% trong năm 2020. Với hơn 50.000 doanh nghiệp CNTT-TT, 955.000 nhân lực trong ngành CNTT-TT và trên 80.000 sinh viên CNTT-TT tốt nghiệp mỗi năm, Việt Nam ngày càng có nhiều lực lượng tham gia vào phát triển CNTT-TT cũng như khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT. Đây là một yếu tố quan trọng đưa Việt Nam từ vị trí gia công phần mềm CNTT-TT đến một quốc gia có khả năng tự phát triển các sản phẩm CNTT-TT với nhãn hiệu “Make in Viet Nam”.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu lực lượng lao động với những kỹ năng cần thiết để khai thác triệt để lợi ích của nền kinh tế số. Việt Nam cần xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực CNTT-TT đến năm 2030, tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo nghề để có nguồn lao động có kỹ năng CNTT-TT cao cũng như các kỹ năng "mềm", đồng thời phổ cập rộng rãi kiến thức và các kỹ năng sử dụng công nghệ số cho cá nhân và các doanh nghiệp để khai thác tối đa cơ hội từ quá trình số hóa.
Để đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề cao cả về công nghệ số và tài chính, Chính phủ đã và đang dành nhiều nguồn lực hơn cho giáo dục và đào tạo, cũng như có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng của lực lượng lao động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính cũng cần đào tạo các kỹ năng mềm cho nhân viên hiện tại của họ như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc theo nhóm, sự sáng tạo và kỹ năng quản lý… Đây là những yếu tố quan trọng để thành công trong nền kinh tế số đang thay đổi nhanh chóng.
Các sản phẩm và dịch vụ tài chính số
Số hóa bắt đầu từ những công việc thường ngày. |
Ngày càng có nhiều sản phẩm không dùng tiền mặt được phát triển để cho phép thanh toán di động, internet và mã QR. Điều này bao gồm các ứng dụng ngân hàng di động cũng có thể được sử dụng để thanh toán. Trong tương lai, các ngân hàng có thể cá nhân hóa các dịch vụ của họ nhờ vào sự phát triển của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, internet of things, thực tế ảo và blockchain.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, các công ty đã giới thiệu các sản phẩm được kỹ thuật số hỗ trợ để đề đạt yêu cầu, giải quyết khiếu nại và thanh toán các khoản bảo hiểm. Đối với chứng khoán, các dịch vụ trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn, từ lập tài khoản, vay vốn (ký quỹ cho vay), đến các dịch vụ tư vấn. Tính đến năm 2020, có 123 công ty khởi nghiệp Fintech tại Việt Nam so với 430 ở Singapore, 233 ở Malaysia và 322 ở Indonesia.
Tài chính bao trùm thông qua các nền tảng số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng đã bắt đầu một số sáng kiến mới có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Những sáng kiến này bao gồm các cách để mở rộng thanh toán số và các kênh mới để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Hiện tại, có khoảng 80 ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cung cấp dịch vụ thanh toán số trung gian thông qua tài khoản ngân hàng, bao gồm dịch vụ thanh toán điện tử, thu hộ tiền mặt, tiền điện tử và ví điện tử.
Kế hoạch thí điểm tiền di động (mobile money) của Chính phủ đã giúp củng cố xu hướng này bằng cách hướng mục tiêu đến nhóm khách hàng chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Nhờ công nghệ tài chính số, các sản phẩm và dịch vụ tài chính được phát triển nhanh chóng, các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng đang được đáp ứng. Nền tảng cho vay P2P là một ví dụ, có thể cung cấp dịch vụ tín dụng, ứng dụng ngân hàng di động, tiền di động và ví kỹ thuật số mà không cần sự hiện diện của các tổ chức tài chính.
Triển vọng chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Mặc dù tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet cao và tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các sản phẩm số mới, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để phục vụ số lớn dân cư chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Kết nối chất lượng thấp và cơ sở hạ tầng CNTT-TT ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa đã hạn chế người dân ở những vùng này được tiếp cận và hưởng lợi ích của các dịch vụ tài chính số.
Tuy nhiên, những thách thức này cũng mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển công nghệ tài chính số, được dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong thập kỷ cho tới khi những thách thức này được giải quyết.
Nhiều mục tiêu chuyển đổi số đã được đặt ra cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bao gồm 50% các hoạt động của ngân hàng được hỗ trợ kỹ thuật số vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; 70% giao dịch ngân hàng thông qua các kênh kỹ thuật số vào năm 2025 và 80% năm 2030; và tăng 300% thanh toán di động vào năm 2025 (theo dự báo mới nhất của Backbase). Đối với lĩnh vực bảo hiểm, các công ty dự kiến sẽ sử dụng các kênh kỹ thuật số và tham gia vào hệ sinh thái ngân hàng số với các ngân hàng lớn.
Các dự án cơ sở hạ tầng CNTT-TT, đặc biệt là cơ sở dữ liệu bảo hiểm quốc gia, đang được hoàn thiện, sẽ tạo điều kiện cho sáng kiến hệ sinh thái. Đối với lĩnh vực chứng khoán, các thế hệ nhà đầu tư mới (Thế hệ Y và Thế hệ Z) sẽ trải qua hệ thống giao dịch chứng khoán hiện đại dự kiến sẽ tăng công suất của các sàn giao dịch hiện tại lên 3,5 - 5,5 lần. Cuối cùng, blockchain được coi là một trong những nền tảng quan trọng cho tài chính số.
Quan hệ đối tác ADB - Việt Nam trong chuyển đổi số ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, ADB đã hợp tác với NHNN để thúc đẩy hệ sinh thái Fintech như một mô hình công nghệ tài chính mới đang tăng trưởng nhanh chóng. Từ tháng 6/2021, ADB đã bắt đầu hợp tác hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông trong nỗ lực triển khai chương trình số hóa tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với các bộ, ngành và các địa phương về những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế số mang lại.
Với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, và việc NHNN tích cực chỉ đạo triển khai các chính sách khuyến khích, cũng như các quy định dành cho các công ty khởi nghiệp và các dịch vụ tài chính mới, bao gồm cả “chế độ hộp cát - sandbox” để thử nghiệm các dịch vụ và sản phẩm mới, tài chính số của Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có trong giai đoạn 2021-2025 và thời gian tiếp sau đó, đồng thời sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính bao trùm và tài chính xanh.